Chính trị

Đổi mới tư duy làm luật

Duy Tuấn 20/10/2024 - 18:00

Trả lời báo chí về đổi mới tư duy làm luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Luật sắp tới sẽ rất ngắn nhưng cũng đảm bảo đủ cơ sở pháp lý để vừa quản lý tốt, vừa khơi thông nguồn lực, tạo hành lang đổi mới, sáng tạo, tránh tình trạng sửa luật.

Chiều 20/10, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã chủ trì Họp báo về Dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ phát biểu tại phiên khai mạc.

Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Kỳ họp thứ 8 được tổ chức ngay sau Hội nghị Trung ương 8 được tổ chức thành công với tinh thần cả nước chung sức bứt phá trong năm 2024-2025, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu của nhiệm kỳ đại hội XIII, đưa nước ta bước vào một giai đoạn mới, kỷ nguyên phát triển của dân tộc Việt Nam như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.

d3.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi họp báo.

Với tính chất quan trọng của kỳ họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ phát biểu tại phiên khai mạc.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp này sẽ có "nhiều nội dung nhất, nhiều dự án luật với phương pháp tiếp cận làm việc mới".

Về điểm mới đáng chú ý, ông Định cho biết, Quốc hội sẽ dành 4/5 ngày thứ Bảy trong thời gian diễn ra kỳ họp để làm việc. Ngày thứ Bảy còn lại sẽ dành thời gian để UBTVQH cho ý kiến đối với các nội dung mới được Chính phủ trình như: Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam...

Luật sắp tới sẽ rất ngắn

Về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, từ Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 27, đòi hỏi phải có giải pháp đột phá trong công tác này, theo hướng luật ban hành phải thực hiện được ngay và tránh giấy phép con, thậm chí gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

"Thời gian qua, chúng ta nâng nhiều nghị định thành luật. Thậm chí nâng nhiều quy định trong thông tư thành luật, dẫn đến có luật 5-6 năm phải sửa 5-6 lần", ông Đinh nêu thực tế.

d1.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tinh thần đổi mới đã được quán triệt trong Trung ương, thể hiện ở Nghị quyết 27. Hiện Quốc hội đã xây dựng đề án 10 chữ về đổi mới quy trình xây dựng pháp luật "khoa học, chuyên nghiệp, kịp thời, khả thi, hiệu quả", dự kiến sẽ trình Bộ Chính trị vào cuối năm nay.

Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành Thông báo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị đổi mới tư duy pháp luật từ nặng về quản lý sang quản lý tốt, khơi thông nguồn lực đổi mới, sáng tạo phát triển.

Theo tinh thần này, tại hai phiên họp gần đây của UBTVQH thứ 37, 38, "khi Chính phủ trình luật việc làm sửa đổi đã thay đổi từ 61 điều thành 130 điều - gần gấp đôi. Khi TVQH có ý kiến, Chính phủ xin rút về và trình lại còn 111 điều. Tương tự như vậy, với Luật Nhà giáo, Chính phủ trình lần đầu trên 70 điều, khi thẩm tra có ý kiến, rút về làm lại còn hơn 40 điều, và còn có thể rút ngắn hơn nữa. Như vậy, Luật sắp tới sẽ rất ngắn, nhưng cũng đảm bảo đủ cơ sở pháp lý để vừa quản lý tốt, vừa khơi thông nguồn lực; tạo hành lang đổi mới, sáng tạo, tránh tình trạng hơi tí là sửa luật", Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định thông tin.

hai3(1).jpg
Các phóng viên tham dự họp báo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng khẳng định, sẽ luật hóa tối đa các nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội. "Điều đó có nghĩa, với những vấn đề chưa ban hành luật mà mới ra nghị quyết, sắp tới phải thành luật. Ví dụ, Nghị quyết về ngân sách nhà nước năm 2025, sau này sẽ là Luật Ngân sách nhà nước năm 2025. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 sắp tới sẽ là Luật Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội năm 2025; Hay Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sau khi ban hành Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, sẽ thành Luật của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam...".

Hiện Quốc hội đang xây dựng quy trình đổi mới quy trình xây dựng pháp luật khoa học, chuyên nghiệp, kịp thời, khả thi, hiệu quả; giao Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị, diễn đàn khoa học về đổi mới tư duy pháp luật theo tinh thần phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, Quốc hội xây dựng diễn đàn giám sát và diễn đàn về đổi mới xây dựng pháp luật... để đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào ngày 30/11

Về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thông tin, đây là dự án rất lớn. Hiện Chính phủ mới trình nhưng đã được thảo luận ở Hội nghị Trung ương 10, sau đó chỉ đạo Quốc hội xem xét cho chủ trương. Ông Định nhấn mạnh, Quốc hội kỳ này sẽ chỉ xem xét về chủ trương "có làm hay không làm". Các nội dung chi tiết sẽ bàn sau.

Tại kỳ họp, dự kiến Quốc hội nghe tờ trình và thảo luận tổ vào ngày 13/11, thảo luận tại hội trường vào ngày 20/11, biểu quyết thông qua vào ngày 30/11.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới tư duy làm luật