Bộ Công an trở thành cơ quan cấp bộ đầu tiên trong hệ thống chính trị thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện đề án quan trọng này, Đảng ủy Công an Trung ương đã chủ động nghiên cứu xây dựng đề án tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an; Đảng ủy Công an Trung ương đã tham mưu đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 về đề án sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ngày 6/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 01-NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Theo đó chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an cơ bản không thay đổi, tổ chức bộ máy Bộ Công an được xây dựng tập trung, thống nhất, chuyên sâu theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bố trí lực lượng và thực hiện tinh giản biên chế. Tập trung đầu tư cho đơn vị trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở.
Cụ thể, cơ cấu tổ chức Bộ Công an không tổ chức cấp Tổng cục, sắp xếp tinh gọn cơ quan Bộ Công an thành các đơn vị cấp Cục trực thuộc Bộ. Bộ máy cấp cục tổ chức lại theo nguyên tắc các đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị không rõ nhiệm vụ, đối tượng công tác hoặc có chức năng, nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với nhau mà trong quá trình hoạt động bắt buộc phải có cơ chế phối hợp thì hợp nhất, sáp nhập, bảo đảm một cơ quan, thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
Theo Nghị định này, tổ chức bộ máy của cơ quan Bộ Công giảm 6 Tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp Cục và gần 300 đơn vị cấp Phòng. Ở công an địa phương sáp nhập 20 sở cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vào công an tỉnh, thành phố và tinh gọn bộ máy tổ chức công an cấp tỉnh, cấp huyện, giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp Đội.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an xác định rõ những việc cần làm ngay, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định của Chính phủ, sớm ổn định tổ chức để thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương châm hành động: “Chủ động, đổi mới, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”.
Từ góc nhìn vĩ mô, các chuyên gia đánh giá đây là việc tái cơ cấu bộ máy quy mô lớn nhất từ trước đến nay, không chỉ ở trong ngành công an mà cả hệ thống chính trị. Việc thực hiện Nghị định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an sẽ là kinh nghiệm để Chính phủ mở rộng ra các bộ ngành nghiên cứu bỏ cấp tổng cục như Bộ Công an. Được biết, hệ thống chính trị đang có 42 cơ quan cấp tổng cục và tương đương, nay mới giảm được 6 tổng cục.
Một thống kê cho biết cả nước có trên 4.600 cục, vụ với tổng cộng 337 cục trưởng, 767 phó cục trưởng, 218 vụ trưởng, 593 phó vụ trưởng, 4.599 trưởng phòng và tương đương, 7.021 phó trưởng phòng và tương đương để quản lý tổng số công chức 69.813 người…Nhiều bộ có số công chức lãnh đạo rất lớn như Bộ Tài chính có 181 cục trưởng, 423 phó cục trưởng, Bộ KH&ĐT 63 cục trưởng và 124 phó cục trưởng, Bộ Tư pháp là 57 cục trưởng và 134 phó cục trưởng… Ở một số cơ quan trung ương còn có cấp hàm cục trưởng, hàm vụ trưởng khiến bộ máy khá cồng kềnh. Tính ra, tại các Tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ có số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên lên đến 13.556 người – không kể Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Cuộc "cách mạng" về tổ chức này không nên chỉ dừng lại ở Bộ Công an mà các bộ, ngành trong hệ thống chính trị cũng phải thực hiện và phải làm triệt để, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.