Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này có rất nhiều tiến bộ, gạt bỏ được những cái không hợp lý trước và đưa ra được một số nội dung thiết thực, đồng thời định hướng sự phát triển cho học sinh phổ thông.
Đó là chia sẻ của GS.TS Khoa học Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Nên tập trung nhiều nguồn nhân lực
Tuy nhiên, GS. Dong cũng phân tích, trong dự thảo chương trình Tiểu học theo ông không nên tham vọng thay đổi và không nên có quá nhiều yêu cầu đối với học sinh. Bởi quá nhiều yêu cầu cao học sinh sẽ khó làm được, cuối cùng năng lực thực sự không có. Ngoài ra, hiện tại các nhà trường chưa có nhiều điều kiện để tạo ra nhiều năng lực.
Cụ thể, GS. Dong phân tích, ở bậc Tiểu học, học sinh phải đọc thông, viết thạo làm mấy phép tính thật chắc chắn, viết đúng chính tả, viết đúng ngữ pháp, biết yêu cha mẹ, yêu hàng xóm…. Trong rèn luyện học sinh chăm chỉ lao động làm những việc nhỏ trong trường...
Số lượng học sinh đông rất khó cho giáo viên giảng dạy. Ảnh Hải Nam.
Ở bậc Trung học phổ thông phải phân luồng, hướng nghiệp để học sinh căn cứ vào năng lực mà chọn trường, chọn nghề. GS. Dong đặc biệt nhấn mạnh: “Phổ thông phải chú trọng dạy cho học sinh cách làm người, đọc thông viết thạo, hiểu biết những mối quan hệ xã hội để trở thành con người tử tế. Phải đảm bảo làm sao ở cấp phổ thông học sinh chú trọng đến chăm ngoan, biết thương yêu cha mẹ, tuân thủ pháp luật như vậy lên đại học chúng ta sẽ yên tâm hơn”.
Bên cạnh những ý kiến của GS. Dong, GS Phạm Minh Hạc – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, ông lo nhất là tiến độ làm bộ sách giáo khoa để phục vụ cho các lớp đầu cấp vào năm học tới.
“Tính ra còn khoảng 17 tháng, khó có thể nói kịp hay không vì kế hoạch đã định ra rồi, muốn hay không cũng cần phải hoàn thành. Rất nhiều môn học mới nên việc xây dựng nội dung cho mỗi môn học cũng mất nhiều thời gian. Bộ GD-ĐT cần ráo riết hơn may ra mới kịp”. GS. Hạc cho hay.
Ngoài ra, GS. Hạc cũng đề cập đến việc đào tạo chuẩn hóa giáo viên theo yêu cầu của chương trình mới là vấn đề không hề nhỏ. Chương trình “vẽ” ra hay đến mấy mà người dạy không tương ứng thì chương trình khó có thể thành công.
Điều này, GS Hạc cho rằng không thể chỉ “kêu” mỗi ngành giáo dục. Đổi mới chương trình giáo dục là việc lớn, đòi hỏi Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội có những chỉ đạo, quyết sách cụ thể để thực hiện. Đặc biệt, Chính phủ phải xem xét lại vấn đề ngân sách cho giáo dục để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện những đổi mới này.
Để thực hiện tốt chương trình giáo dục mới mỗi lớp nên 20 – 25 học sinh
Đó là ý kiến của thầy Phạm Quang Dũng – Hiệu trưởng trường Tiểu học Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Theo thầy Dũng, xu thế hiện nay mình đổi mới là đúng. Đối với việc thay đổi chương trình, đặc biệt là cấp tiểu học, ngoài những môn học bắt buộc như: Toán, Ngoại ngữ, Tiếng Việt có những môn tự chọn. Như vậy lên cấp cao hơn học sinh đã định hình được những thế mạnh của mình, có thể lựa chọn phù hợp năng lực, khả năng cũng như đam mê của các em.
Tuy nhiên thầy Dũng cũng đưa ra những trăn trở mà nhiều nhà trường gặp phải là đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và thời lượng học. “Nếu chương trình như thế này buộc phải học hai buổi một ngày mới đủ được với nội dung đó. Trước đây có một số trường thực hiện, một số trường không thực hiện nhưng giờ thay đổi phương pháp học buộc phải như vậy”.
Mỗi lớp chỉ nên từ 20-25 học sinh sẽ hiệu quả hơn. Ảnh Hải Nam.
Ngoài ra, thầy Dũng cũng phân tích thêm, cơ sở vật chất phải đáp ứng được nhu cầu đổi mới. Thực trạng hiện nay, cơ sở vật chất của các nhà trường xuống cấp rất trầm trọng, trong khi đó đầu tư cho cơ sở vật chất rất hạn chế. Muốn được nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu theo chương trình mới đòi hỏi các địa phương cần nâng cao các cơ sở vật chất ví dụ như: phòng học phải đảm bảo diện tích; các trang thiết bị dạy học…
Theo như dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể này, thầy Dũng lo lắng số lượng học sinh 30-35 học sinh thì khó có hiệu quả. Lý giải về điều đó thầy Dũng nói: “Số lượng học sinh đông rất khó cho giáo viên giảng dạy. Theo tôi chỉ nên khoảng từ 20-25 là phù hợp nhất. Ví dụ như: nếu lớp 20-25 học sinh, giáo viên tổ chức hoạt động nhóm sẽ rất dễ dạy cho giáo viên, đồng thời 4 nhóm giáo viên có thể sát sao với từng học sinh trong nhóm, nắm bắt được tình hình hiểu bài của học sinh”.
Khó khăn nữa thầy Dũng đưa ra là đội ngũ giáo viên. “Hiện nay, trường mình đội ngũ giáo viên đa số là thế hệ 7X, công tác trong ngành từ 15-20 năm rồi nên đổi mới họ rất ngại. Vì vậy đòi hỏi giáo viên phải có sự tận tâm, yêu nghề, linh hoạt, chủ động điều chỉnh nhịp độ mới nhanh chóng thích nghi với điều kiện dạy kiểu mới này”, thầy Dũng cho hay.
Thầy Dũng cũng mong muốn Bộ GD-ĐT nên có định hướng cho các Sở, phòng, nhà trường về phương pháp dạy mới, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng dạy phương pháp mới càng sớm càng tốt. Đồng thời quan tâm, đầu tư về trang thiết bị phục vụ dạy học, đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sắp tới.