Đổi mới cách chi tiêu cho KHCN

08/06/2012 10:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghịch lý “thừa tiền” phải trả lại trong lĩnh vực khoa học công nghệ là chuyện vẫn xảy ra. Ngỏ lời với báo chí, một nhà khoa học là ĐBQH khẳng định đây là do những khó khăn trong cơ chế tài chính.

Ông cho biết thêm, đến giờ đã là tháng 6, các chương trình, đề tài khoa học mà Bộ KH&CN đã duyệt và trình mà kinh phí cho các chương trình, đề tài đó vẫn chưa có. Tính cho đến hết năm thì cứ cho là còn 7 tháng nữa, thì làm sao mà các nhà khoa học hoàn thành được hết nhiệm vụ của mình. Tình trạng này nếu không khắc phục thì sang năm lại thế!

Đổi mới cách chi tiêu cho KHCN

Giờ thực hành của sinh viên Công nghệ sinh học tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP Hồ Chí Minh.  Ảnh: Chí Lâm

Ngân sách chi cho KHCN dùng không hết, không phải do khoa học không cần tiền. Nhu cầu đầu tư của KHCN là rất lớn. Nhưng do vướng nhiều cơ chế, khó chi một cách hiệu quả. Được biết, hiện tỷ trọng ngân sách chi cho KHCN của nước ta mới chỉ chiếm 0,4% GDP, thấp hơn rất nhiều con số 3 - 4% GDP ở các nước phát triển.  Tiền đã ít lại không được cấp đầy đủ, kịp thời đã “bó tay” các nhà khoa học. Một nữ giáo sư cho biết, bà nhận một đề tài cấp ngành, sau 3 năm thực hiện đến khi hoàn thành, số tiền quyết toán nhận được không đủ chi liên hoan mừng thành công. Tăng chi cho KHCN là việc cần, song quan trọng hơn là cần có cơ chế sử dụng nguồn ngân sách ít ỏi này một cách hiệu quả, khuyến khích được đội ngũ cán bộ khoa học chuyên tâm nghiên cứu để có những sáng tạo đóng góp cho đất nước. Cơ chế tài chính xin- cho đã bó buộc các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ.

Để giải quyết tình trạng “cơm treo heo nhịn đói” này cần đổi mới cách chi tiêu cho KHCN. Cần chi tiêu theo kết quả, sản phẩm được nghiên cứu, làm ra, chứ không chi tiêu theo các loại giấy tờ hóa đơn GTGT. Hiện các cơ quan kiểm tra các đề tài, nhiệm vụ KHCN chỉ nhăm nhăm xem xét các hóa đơn chứng từ, giấy tờ thủ tục là chính. Còn sản phẩm KHCN cụ thể thế nào thì mấy ai quan tâm. Mà thời gian dành cho việc thanh quyết toán thì mất rất nhiều. Sao không khoán kinh phí cho các nhà khoa học nhận đề tài? Nghiệm thu đề tài đồng nghĩa với việc kết toán kinh phí.

Rất cần một cuộc tổng kiểm tra việc  sử dụng ngân sách nghiên cứu khoa học gắn với kết quả và chất lượng đề tài nghiên cứu đã được thực hiện. Trên cơ sở đó, đề nghị  Bộ KH&CN, Bộ Tài chính  đổi mới việc quản lý ngân sách cho KHCN theo Luật Ngân sách. Đơn giản hóa thủ tục thanh quyết toán, sử dụng ngay cơ chế khoán chi trong hoạt động KHCN và khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Những chi phí dành cho nhân lực trong quá trình nghiên cứu sẽ khoán cho nhà khoa học chủ trì đề tài, dự án. n

Bảo Dân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới cách chi tiêu cho KHCN