Vượt gần 20km đường đèo Khau Phạ từ điểm trường mầm non Lìm Thái, chúng tôi băng băng trên chiếc xe máy mỗi lần đi không đề được phải đạp tới tấp, mượn của một chị phụ huynh ở bản Lìm để đến điểm trường mầm non Púng Luông.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến điểm trường xa nhất của trường mầm non Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái nhưng quẹo nhầm rồi lạc vào điểm trường Háng Cơ Bua, cũng là 1 trong 6 điểm trường thuộc trường mầm non Púng Luông.
Đường đất đỏ trơn chỉ muốn ngã, đi lên thì bò mà xuống thì bóp phanh dắt bộ. Lời tâm sự điểm trường có hai cháu bị ung thư mắt níu chân chúng tôi vào thăm các cháu.
Ba bố con A Thề trong căn nhà 3 thế hệ.
Vào đến trường khoảng gần 11 giờ, cô giáo đang cho các cháu ăn trưa, bé nào cũng ngoan ngoãn tự giác ngồi ăn sì sụp cơm trắng chan mì tôm. Thấy các cô vào thi nhau chào cô bằng tiếng Kinh chưa sõi, cô giáo bắt nhịp các cháu nói theo, tiếng Kinh nói trước, tiếng Mông nói sau.
Cô giáo Thúy, người ở Nghĩa Lộ lên cắm bản đã được 5 năm. Cô kể, ở đây các cháu gần như ngày nào cũng ăn cơm chan mì tôm, có cháu ăn cơm với măng cay, cháu nào khá hơn được mẹ cho quả trứng, cá khô mang tới trường. Vậy là xong một bữa!
Cô Thúy chỉ cho chúng tôi hai cháu nhỏ đang chơi đùa ngoài sân, là hai bé bị ung thư mắt. Bé em là Giàng Thị Thúy Bang (hơn 3 tuổi) và bé chị là Giàng Thị Vang (hơn 4 tuổi). Theo lời cô giáo Thúy, các cháu vui chơi bình thường, không gặp nhiều khó khăn nhưng thi thoảng vì hiếu động bên mắt giả của Vang rớt cả ra ngoài, cô giáo không dám đeo lại, chỉ rửa sạch rồi gọi bố bé lên.
Trời gần tối, theo lời chỉ dẫn của cô giáo, chúng tôi tìm đến nhà anh Giàng A Thề, phụ huynh của Vang và Bang. Đường đến ngõ dễ đi nhưng từ ngõ vào hơn 1 cây số đường đất trơn, bánh xe máy găm đầy đất cứ ì ra không tiến không lùi loạng choạng muốn ngã.
Hai chị em Giàng Thị Thúy Bang (phải) và Giàng Thị Vang (trái).
A Thề dẫn chúng tôi theo lối tắt vào nhà, nhà tối om vì không có điện. Vợ chồng A Thề, vợ chồng anh trai cùng mẹ già, đại gia đình 3 thế hệ sống trong căn nhà nền đất, nheo nhóc gần 10 đứa trẻ. Vang và Bang cũng đang chơi cùng các chị họ, nhìn thấy người lạ đứa nào đứa nấy đứng im, nhìn trộm rồi chạy biến vào cạnh bố.
Hai cô bé lần đầu được đưa xuống Hà Nội khám đầu năm 2016, bé Bang được chỉ định hủy một bên mắt phải vì không thể cứu chữa, tính đến nay Bang đã trải qua 8 đợt truyền hóa chất. Bé Vang may mắn hơn vì mới chớm bệnh, bác sĩ thông báo bé bị u mắt.
Dòng dã cả năm trời hai chị em theo bố vượt cả trăm cây số về Hà Nội chữa bệnh. Cứ 2 tuần 1 lần, Bang xuống xạ trị còn Vang điều trị bằng tia la de. Sau 1 năm bệnh tiến triển tốt nên những chuyến đi xa của 3 bố con thưa dần, giờ chỉ còn tính 2, 3 tháng/lần. Nhưng thay vào đó là những toa thuốc chữa bệnh đắt đỏ điều trị ở nhà, muốn mua phải xuống tận thị xã.
“Lúc đầu mình đi mình cầm 5 triệu vì mình chỉ có 5 triệu, mình đi chưa được 1 tuần thì viện phí nộp hết. Sau mình vay mượn anh em được 20 triệu rồi xong về bán trâu để trả nợ cho anh em”, A Thề kể.
Một bên mắt của Bang đã hỏng hoàn toàn và được thay bằng mắt giả.
Nhờ có bảo hiểm và gia đình hộ nghèo nên cũng đỡ đi phần nào gánh nặng cho vợ chồng A Thề. Chiếc mắt giả của bé Bang trị giá 800.000 đồng, chi phí điều trị la-de của bé Vang đã có bảo hiểm xã hội hỗ trợ, chỉ khi nào tế bào phát triển Vang mới được bác sĩ chữa la-de.
Cô bé Bang những ngày đầu làm quen với một bên mắt giả còn ngây ngô hỏi bố: “Sao một mắt bên phải của con không nhìn thấy gì”. Quen dần, Vang không còn hỏi bố như vậy nữa.
Chị Vang lớn hơn em một tuổi, quấn quýt bên em. Nếu nhìn thoáng qua khó ai nhận ra Vang bị bệnh. Bác sĩ dặn A Thề bé Vang sẽ phải điều trị đến năm 20 tuổi mới khỏi bệnh còn cô bé Bang cố gắng chữa trị để không hỏng bên mắt còn lại.
Hành trình về với Thủ đô của 3 bố con A Thề vẫn sẽ tiếp tục nhưng trước tiên phải vượt qua đoạn đường đất đỏ trơn trượt và đèo Khau Phạ hiểm trở. Có khó khăn nhưng vẫn phải đi qua.