Độc đáo kiến trúc nghệ thuật Nghè Nguyệt Viên hơn 400 tuổi

Thanh Phương| 07/03/2023 11:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghè Nguyệt Viên xưa thuộc làng Nguyệt Viên, xã Từ Minh, tổng Từ Quang, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, nay là làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa. Trải qua hơn 400 năm, Nghè vẫn còn lưu giữ nét kiến trúc cổ kính, độc đáo.

Nghè thờ vị thần có duệ hiệu “Chương vĩ dực bảo trung hưng thượng đẳng thần”, với truyền thuyết dân gian về tình yêu đơn phương và tuyệt vọng của nàng công chúa đẹp người đẹp nết, đã trẫm mình ở khúc sông Nguyệt.

Độc đáo kiến trúc nghệ thuật Nghè Nguyệt Viên hơn 400 tuổi

Nghè Nguyệt Viên nằm sát nhà dân và trường học

Nghè Nguyệt Viên được được xây dựng vào năm Quang Hưng thứ 16 (1593) triều Lê Thế Tông, trải qua nhiều lần tu bổ: Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) triều Nguyễn, năm Thành Thái thứ 9 (1896) và gần đây nhất là trùng tu vào năm 2008. Nghè là một kiến trúc độc đáo nhất vùng Hàm Rồng, hiện còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc trang trí tinh tế, đặc sắc, tiêu biểu cho nghệ thuật thời Nguyễn đầu thế kỷ XIX.

Ngoài ra, nghè còn lưu giữ được nhiều hiện vật đồ thờ như đôi sấu đá thời Mạc, bài vị thời Hậu Lê, tượng thờ thời Nguyễn, bia đá, sắc phong… Hằng năm, lễ hội làng Nguyệt Viên tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 2 (âm lịch); cùng với việc tế lễ, phần hội diễn ra vui tươi, nhộn nhịp với các trò diễn dân gian độc đáo như” Kéo hẹ, trò Tú Huần và đua thuyền… Nghè Nguyệt Viên đã được Sở Văn hóa-Thông tin xếp hạng là di tích cấp tỉnh.

Độc đáo kiến trúc nghệ thuật Nghè Nguyệt Viên hơn 400 tuổi

Công trình trải qua hơn 400 năm.

Hiện nay, nghè có vị trí địa lý như sau: phía nam giáp đê sông Mã, phía đông giáp khu dân cư, phía bắc giáp trường Tiểu học Hoằng Quang, phía tây giáp đường làng và nhà dân. Tổng diện tích đất theo biên bản khoanh vùng các khu vực bảo vệ của di tích nghè Nguyệt Viên là 0,25ha. Diện tích đất nghiên cứu Quy hoạch dự kiên là 0,25ha.

Nghè có cấu trúc một gian hai chái, bố cục gần giống hình vuông, kết cấu vì kèo khá đặc biệt. Ngoài ra, bộ khung gỗ của nghè vững chắc, bề thế với những mảng chạm khắc nghệ thuật các linh vật, hoa lá tỉ mỉ. Phía trước bậc tam cấp bước vào nghè là cặp đôi sấu đá được chạm trong tư thế đang chồm tới, đầu hơi ngẩng, mắt lồi, mũi thon, miệng rộng, miệng ngậm viên ngọc quý.

Bên góc trái trước cửa Nghè Nguyệt Viên là một tấm văn bia cổ. Qua thời gian, tấm văn bia này nhiều lần bị nứt gãy, được người dân địa phương sửa chữa lại.

Độc đáo kiến trúc nghệ thuật Nghè Nguyệt Viên hơn 400 tuổi

Đôi cá sấu được chạm khắc tinh tế trước bậc tam cấp

Phía trước cửa chính của Nghè Nguyệt Viên được tạo dựng bằng các vách gỗ và cột, kèo với kỹ thuật chạm khắc nhiều lớp. Các nghệ nhân xưa cũng khéo léo kết hợp đường nét, hình khối xoay quanh đề tài tứ linh với các chi tiết tinh tế. Các hình ảnh đầu rồng, phượng, lân được khắc vào từng vị trí cố định trên các đầu dư, rường, các góc đầu nối với các cột cái... một cách mềm mại, uyển chuyển nhưng vẫn toát lên sự sắc sảo, uy nghi.

Hàng năm, vào mùng 10-2 âm lịch, lễ hội Nghè Nguyệt Viên lại được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa. Lễ hội thu hút đông đảo người dân trong vùng bởi các hoạt động mang tính cộng đồng cao, như đua thuyền trên sông Mã, kéo hẹ, tú huần, hát đối...

Trải qua thời gian, công trình đang bị xuống cấp rất cần được cơ quan chức năng nghiên cứu, đầu tư để bảo vệ.

Độc đáo kiến trúc nghệ thuật Nghè Nguyệt Viên hơn 400 tuổi

 Sơn son thiếp vàng bên trong Nghè

Độc đáo kiến trúc nghệ thuật Nghè Nguyệt Viên hơn 400 tuổi

Bia đá còn lưu giữ tại Nghè

Độc đáo kiến trúc nghệ thuật Nghè Nguyệt Viên hơn 400 tuổi

Nghè Nguyệt Viên có kiến trúc nghệ thuật độc đáo cần sớm bảo vệ
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo kiến trúc nghệ thuật Nghè Nguyệt Viên hơn 400 tuổi