Kinh tế

Doanh thu thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 49,9 tỷ USD vào năm 2028

Trang Nguyễn 15/11/2024 - 13:59

Tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam có tiềm năng đạt mốc 49,9 tỷ USD/năm vào năm 2028 nếu tận dụng hết những cơ hội tăng trưởng đang xuất hiện.

thuong-mai-dien-tu.png

Ba cơ hội tăng trưởng rõ rệt cho thương mại điện tử tại Việt Nam

Theo báo cáo "Dự báo xu hướng tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2025 - 2028" của YouNet ECI và YouNet Media đưa ra, từ giữa năm 2023, sự xuất hiện của TikTok Shop cùng sự phát triển của xu hướng mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment) đang làm thay đổi hoàn toàn thói quen mua sắm và mức chi cho thương mại điện tử của người tiêu dùng.

Theo kết quả nghiên cứu từ YouNet ECI và YouNet Media, những yếu tố này có khả năng làm tăng dự báo tăng trưởng thị trường thương mại điện tử Việt Nam lên mức tối đa 35% CAGR (tăng trưởng kép hàng năm) từ năm 2024 đến năm 2028, tích cực hơn mọi dự báo trước đây từ các bên.

Cụ thể, YouNet ECI và YouNet Media dự báo, tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam có tiềm năng đạt mốc 49,9 tỷ USD/năm vào năm 2028 nếu tận dụng hết những cơ hội tăng trưởng đang xuất hiện.

Ông Nguyễn Phương Lâm - Giám đốc Phân tích Thị trường, YouNet ECI - giải thích thêm: “Cơ sở cho dự báo tích cực này của chúng tôi là 3 cơ hội tăng trưởng rõ rệt mà chúng tôi nhìn thấy từ dữ liệu: một là thu nhập của người dân Việt Nam gia tăng dẫn đến chi tiêu cho thương mại điện tử tăng theo trong 5 năm tới, hai là xu hướng mua sắm kết hợp giải trí kích thích tiêu dùng và 3 là sự chuyển dịch đáng kể của những ngành hàng giá trị cao từ kênh offline lên thương mại điện tử”.

thuong-mai-dien-tu-1.jpg

Theo khảo sát của YouNet Media với mẫu 700 người tiêu dùng đến từ các thành phố tại Việt Nam, 62,8% người tiêu dùng số (digital consumers) hiện chốt đơn trên các sàn thương mại điện tử ít nhất một lần mỗi tuần.

Khi đào sâu phân tích nhóm người tiêu dùng số này theo chiều thu nhập, nghiên cứu nhận thấy có tỷ lệ thuận rõ rệt giữa mức thu nhập với tần suất mua sắm trực tuyến và kích thước giỏ hàng của người tiêu dùng. Đặc biệt, ở mức thu nhập từ 30 triệu đồng/tháng trở lên thì người tiêu dùng Việt Nam mua sắm gần như không phụ thuộc vào các chương trình khuyến mãi của sàn mà có thể mua bất cứ khi nào có nhu cầu.

Xét theo độ tuổi, nhóm mua sắm hàng tuần có 53,4% thuộc Gen Z và 46,6% là Millennials (thế hệ sinh năm 1981 – 1995). Thu nhập khác nhau dẫn đến sự khác biệt rõ rệt giữa hai thế hệ này về tần suất mua sắm, mức chi tiêu, danh mục sản phẩm yêu thích và cách ra quyết định khi mua sắm trực tuyến.

Cũng theo báo cáo, Gen Z đại diện cho thời đại kỷ nguyên số, là nhóm dẫn đầu trong việc tạo ra và thích nghi với các xu hướng mới. 51% Gen Z cho biết họ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng trên mạng xã hội khi chọn mua sản phẩm mới. Các sản phẩm họ thường mua trên thương mại điện tử chủ yếu thuộc danh mục thời trang, sắc đẹp và chăm sóc cá nhân.

Kết quả nghiên cứu cho biết, giá trị giỏ hàng trung bình của Gen Z cho 3 ngành hàng Thời trang, Sắc đẹp và Chăm sóc cá nhân tới năm 2028 có tiềm năng tăng gấp 2,3 lần so với 2023, đạt 28,8 USD/giỏ hàng. Khi đó, tổng chi tiêu của Gen Z trên thương mại điện tử sẽ tăng từ 4 tỷ USD năm 2023 lên 20,3 tỷ USD năm 2028. Để đạt được mức tăng trưởng này, các doanh nghiệp cần đáp ứng đúng nhu cầu của Gen Z trong mua sắm cá nhân.

Theo khảo sát của YouNet Media, Gen Millennials mua sắm trực tuyến với tần suất nhiều hơn Gen Z khoảng 1-3 lần mỗi tuần. Giá trị trung bình mỗi đơn hàng của Gen Millennials lên đến 125 USD, cao hơn nhiều so với Gen Z. Ngoài các sản phẩm chăm sóc cá nhân như thời trang và làm đẹp, thế hệ Millennials còn chi nhiều cho các sản phẩm điện gia dụng và điện tử tiêu dùng.

Không giống Gen Z, Millennials thường cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua, kể cả trong các livestream với nhiều ưu đãi.

Các ông lớn công nghệ Facebook, TikTok, Apple... nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) mới đây cho biết, hiện có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử, tăng thêm 5 đơn vị so với lần cập nhật cuối tháng trước. Các nhà cung cấp này bao gồm những tên tuổi lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple...

Tính đến đầu tháng 10, các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ khi cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài đi vào hoạt động vào tháng 3/2022, số thuế lũy kế từ các doanh nghiệp này đã đạt 20.174 tỷ đồng.

Các nhà cung cấp lớn như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... hiện nắm giữ khoảng 90% thị phần doanh thu từ dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.

Ngoài các tên tuổi trên, một số nền tảng thương mại điện tử khác như Temu, Shein, 1688 hiện bán hàng vào Việt Nam nhưng chưa đăng ký kinh doanh với nhà chức trách. Các nền tảng này cũng thuộc diện phải kê khai và nộp thuế theo quy định đối với nhà cung cấp nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh thu thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 49,9 tỷ USD vào năm 2028