Các doanh nhân mong muốn mở cửa trở lại an toàn, nhanh nhất và góp trí tuệ vào chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Mong muốn này được cộng đồng doanh nhân nêu ra trong buổi gặp mặt với Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 12/10.
Cho rằng ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay được kỷ niệm trong bối cảnh khác với mọi năm, khi dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng đã gửi lời cảm ơn, tri ân tới tất cả doanh nhân vì những đóng góp của họ với kinh tế đất nước.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhìn nhận, năm nay được đánh dấu bằng những khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp đối mặt với đứt gãy sản xuất, đứt gãy thị trường, dòng tiền và lao động.
Quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều năm. Vì thế, các doanh nghiệp mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần ổn định và có thời hạn phù hợp.
"Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn được đóng góp trí tuệ vào chương trình phục hồi tổng thể cấp quốc gia cũng như ở các ngành, các địa phương", ông Công chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC bày tỏ mong muốn mở cửa trở lại an toàn, nhanh nhất, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Hiện Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang được Chính phủ giao sớm hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế, trình Chính phủ trong tháng 10.
Bức tranh kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã trải qua giai đoạn đầy biến động với tác động tiêu cực của đại dịch. Khó khăn chồng chất khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã kiên trì tìm hướng đi mới, tìm ra các giải pháp để duy trì và phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nhân cho rằng những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp là không đủ, rất cần Chính phủ có chính sách, giải pháp, tạo cơ chế, môi trường để họ vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch.
Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, ông Lê Vĩnh Sơn kiến nghị Chính phủ cần thực hiện ngay giải pháp phù hợp trên quy mô lớn trong trung và dài hạn, trong đó cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, đảm bảo an sinh xã hội.
"Tôi cho rằng cần ổn định chính sách tài khoá, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn; nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, phục hồi sau đại dịch. Chính sách tài khoá cần thực hiện có trọng tâm; hỗ trợ đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc", ông Sơn nói.
Ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giảm lãi suất đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đề xuất chênh lệch không quá 2,5% giữa lãi suất huy động, lượng vốn và lãi suất cho vay.
Ngoài ra, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một thị trường. "Chúng tôi luôn có niềm tin vào chỉ đạo, quyết sách kịp thời và hiệu quả của Chính phủ. Cuộc gặp gỡ hôm nay là sự khích lệ lớn đối với doanh nghiệp và doanh nhân vượt qua khó khăn để phục hồi sau đại dịch", ông Sơn khẳng định.
Trước kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Nhưng để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô... bà Hồng mong các doanh nghiệp chia sẻ trong quá trình này.
Về chính sách tài khoá, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Tài chính thông tin, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và doanh nhân để tham mưu cho Thủ tướng các chính sách ưu đãi thuế phí, bảo đảm Việt Nam có nguồn lực hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
"Về phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, chúng tôi sẽ cùng với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu báo cáo Thủ tướng xem xét cơ chế lãi suất với doanh nghiệp vay vốn ngân hàng có nguồn lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh", Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết.
Giải pháp thời gian tới, ông Hà cho rằng cần bảo đảm sự thông suốt của chuỗi sản xuất và cung ứng. Đây không phải chỉ có sản xuất và cung ứng trong nước, mà còn liên thông với thị trường bên ngoài. Giải pháp về nguồn cung, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa là rất quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, khuyến khích tiêu dùng nội địa trong nước cũng là cần thiết.
Cùng đó là đảm bảo dòng tiền không bị đứt gãy, việc này có mối liên hệ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) nhìn nhận, doanh nghiệp Việt Nam hiểu rằng không phải ai khác, mà chính họ là lực lượng chính đóng góp cho ngân sách, phát triển kinh tế đất nước, đóng góp cho kinh tế Việt Nam có tăng trưởng hay không, hình ảnh Việt Nam đến với thế giới thế nào...
Ông Dũng đánh giá, Chính phủ đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có cơ hội để thực hiện sứ mệnh của mình. Nhiều chỉ thị đã được ban hành để phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, tham gia tích cực vào chuỗi gía trị toàn cầu, tầm cở khu vực và thế giới.
"Cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần vượt khó, ý chí tự lực tự cường đã đóng góp vào chiến lược chống dịch, nỗ lực thích ứng tình hình mới, duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép", Chủ tịch Viettel khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang khẩn trương ban hành Nghị quyết hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng sẽ sớm được ban hành, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.
"Chúng ta đang từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế", Thủ tướng nhấn mạnh. Song việc này phải bảo đảm lộ trình an toàn, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có bước đi thận trọng. Cùng với đó, là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách; nghiên cứu thử nghiệm một số chính sách về du lịch, thương mại và dịch vụ, mở cửa du lịch an toàn; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến, áp dụng hộ chiếu vaccine...
Thủ tướng cho rằng đây là bài toán khó, đòi hỏi phải thận trọng, tỉnh táo nhưng không vì thế mà chậm trễ, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội. Về tiến độ tiêm vaccine, người đứng đầu Chính phủ cho biết, phấn đấu đạt mục tiêu bao phủ vaccine chậm nhất trong quý IV năm nay, trước hết là tiêm hai mũi, trong đó ưu tiên người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, các lực lượng tuyến đầu, người lao động trong các doanh nghiệp.
Cùng đó, Bộ Y tế đang nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ em để mở cửa trường học an toàn... Thủ tướng tin tưởng vào sự hợp tác, đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với sự nghiệp chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.