Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 158/2024/ NĐ-CP quy định về hoạt động vận tải đường bộ với nhiều điểm sửa đổi quan trọng liên quan đến việc quản lý xe hợp đồng, phù hợp với quy định của Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ.
Theo Nghị định số 158/2024/ NĐ-CP, các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ người lái) hoặc xe ô tô dưới 8 chỗ được cải tạo từ xe lớn hơn 8 chỗ phải ký hợp đồng vận tải bằng văn bản với người thuê chuyến, bao gồm cả người lái xe.
Các xe hợp đồng trên 8 chỗ không được bán vé, không được xác nhận đặt chỗ ngoài hợp đồng, không được thu tiền ngoài hợp đồng và không được thiết lập hành trình, lịch trình cố định để phục vụ nhiều khách hàng hay người thuê khác nhau. Đồng thời, lái xe chỉ được đón và trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng, không được gom khách hay đón khách ngoài danh sách đã được đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp. Đặc biệt, xe hợp đồng không được đón hoặc trả khách tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện hay các địa điểm cố định khác của doanh nghiệp trên các tuyến đường phố.
Trong quá trình vận chuyển hành khách, lái xe phải mang theo bản hợp đồng vận tải giấy và danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải, trừ trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, đối với xe hợp đồng dưới 8 chỗ, nghị định cho phép không cần ký hợp đồng thuê nguyên chuyến, tạo điều kiện để gom khách lẻ phù hợp với quy định của Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ.
Liên quan đến dịch vụ vận tải bằng xe taxi, Nghị định số 158/2024/NĐ-CP quy định, cước phí cho các chuyến đi có thể được tính bằng ba hình thức: Sử dụng đồng hồ tính tiền, phần mềm tính tiền hoặc theo thỏa thuận. Nếu sử dụng đồng hồ tính tiền, thiết bị này phải được kiểm định, kẹp chì và gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát, đồng thời kết nối với máy in hóa đơn hoặc phiếu thu. Phiếu thu phải bao gồm đầy đủ thông tin về đơn vị vận tải, biển số xe, cự ly di chuyển và tổng tiền. Đối với hình thức sử dụng phần mềm tính tiền, xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách, cho phép đặt xe, hủy chuyến và tính toán cước phí dựa trên bản đồ số. Phần mềm này phải tuân thủ các quy định về giao dịch điện tử, cung cấp thông tin chi tiết về chuyến đi và giải quyết các phản ánh của hành khách.
Trường hợp tính cước theo thỏa thuận, tiền cước phải được niêm yết công khai trên xe hoặc thông qua phần mềm của đơn vị vận tải. Sau khi kết thúc chuyến đi, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm phải gửi hóa đơn điện tử cho hành khách và đồng thời báo cáo thông tin hóa đơn đến cơ quan thuế theo quy định. Những quy định này nhằm tăng cường tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi của hành khách và đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động vận tải đường bộ.
Nghị định số 158/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.