Doanh nghiệp tư nhân: Động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng vẫn “chậm lớn”?

Mạnh Nguyễn| 27/03/2018 08:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo TS Trần Du Lịch, điều mà các chuyên gia trăn trở nhất là hiện nước ta có hơn 700.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, nhưng khối doanh nghiệp tư nhân này "chậm lớn”.

DN tư nhân - đối trọng liên kết của cả 3 khối kinh tế

Kinh tế Việt Nam trong năm 2017 đã có những khởi sắc hết sức tích cực, đặc biệt là trong 2 quý cuối năm, đưa GDP cả năm đạt 6,81%, vượt chỉ tiêu tăng trưởng do Quốc hội đề ra. Đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì sang năm 2018, tạo cho năm nay một sức bật mạnh mẽ về tăng trưởng ngay từ các tháng đầu năm với dự báo GDP quý 1 tăng trên 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp tư nhân:  Động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng vẫn “chậm lớn”?

Khối kinh tế tư nhân đóng góp 40% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam. Ảnh: Đình Huệ

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đóng góp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam hiện nay đang có tới 40% từ khối kinh tế tư nhân.

Đảng, Nhà nước ta cũng luôn đánh giá cao vai trò của kinh tế tư nhân và đưa ra những quan điểm chỉ đạo mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sự phát triển của khối kinh tế này, với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa để trở thành đối trọng liên kết của cả 3 khối kinh tế.

Để làm được điều đó, các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước luôn tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, tạo khung khổ pháp lý bình đẳng hơn cho mọi loại hình doanh nghiệp không phân biệt nguồn chủ sở hữu.

Để cụ thể hoá các chủ trương này, Chính phủ đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp cụ thể về cải thiện hành lang pháp lý, đơn giản hoá các thủ tục thành lập doanh nghiệp, nộp thuế, thông quan hải quan, bảo vệ cổ đông thiểu số, cắt giảm hàng loạt các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp…

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, đối với hơn 97% doanh nghiệp thuộc đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đưa ra những chính sách ưu đãi cụ thể khuyến khích doanh nghiệp vay vốn, tham gia đầu tư vào khoa học công nghệ, ưu đãi các hoạt động đào tạo nâng cao kỹ năng, xúc tiến tìm kiếm thị trường; ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có quy định hỗ trợ tư vấn và giảm chi phí cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Có  hiệu lực từ 1/1/2018, đây là bộ luật được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có những tác động tích cực đến niềm tin và sự chủ động của doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường.

Vẫn chậm lớn?

Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề "Cơ hội đột phá, tăng trưởng kinh doanh", một thông tin đã được TS Vũ Tiến Lộc đưa ra là dù khối kinh tế tư nhân đóng góp 40% vào tăng trưởng GDP nhưng thực tế là chỉ 8% trong khối là thực sự doanh nghiệp và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. 32% còn lại được đóng góp từ các hộ kinh doanh cá thể, rất nhiều trong số đó quy mô nhưng không chịu "lên đời" doanh nghiệp. Do đó, xây dựng môi trường, chính sách ra sao để kích thích và đưa các doanh nghiệp này mở rộng quy mô là bài toán quan trọng.

Theo TS Trần Du Lịch, hiện nay, điều mà các chuyên gia trăn trở nhất là hiện Việt Nam có hơn 700.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, khối doanh nghiệp tư nhân này "chậm lớn". Vị chuyên gia đề nghị về chính sách, Chính phủ cần tập trung môi trường pháp lý an toàn, minh bạch, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. "Tôi tin rằng Chính phủ đang nỗ lực để làm điều này. 2018 khởi động để đi vào một giai đoạn môi trường tốt hơn", ông Lịch nói.

TS Trần Du Lịch cho rằng về giảm lãi suất, thực tế nền kinh tế Việt Nam kinh doanh trên vay nợ, nhà nước muốn đầu tư phải đi vay trái phiếu, doanh nghiệp phải vay ngân hàng. Muốn giảm lãi suất ngân hàng phát triển cho vay thì phải tăng tái chiết khấu, tăng cho vay, Ngân hàng không để xảy ra lạm phát. Năm 2017, lãi suất đã giảm ở mức độ, năm 2018 nếu không giảm được thì giữ mức như 2017 là tương đối tốt. Doanh nghiệp nên cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp để giảm tỷ lệ vay, hy vọng năm nay có thể giảm lãi suất chút đỉnh.

Dự báo ở 2018, khu vực tư nhân tiếp tục bùng nổ, TS Vũ Viết Ngoạn khẳng định thực tế lòng tin đã được kiến tạo tăng cường trong những năm qua. Tuy nhiên nếu các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư hoặc tiếp tục thành lập mới mà giữ nguyên mô hình, tư duy năng lực cạnh tranh phương thức kinh doanh cũ, thì Việt Nam vẫn sẽ không bứt phá được. Nền kinh tế sẽ chỉ tăng lên về lượng không tăng chất. Theo ông Ngoạn, để tăng chất song hành tăng lượng, thay đổi về chất, nâng cao năng lực cạnh tranh, cả Chính phủ và doanh nghiệp phải hành động.

Trước đó, một số chuyên gia cho rằng Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ để các hộ kinh doanh tự nguyện chuyển lên doanh nghiệp. Theo đó, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể giúp họ đào tạo, quản lý doanh nghiệp vì lâu nay quản lý là hộ gia đình. Mặt khác, cần có cơ chế nghiên cứu về thuế để các hộ kinh doanh cá thể thấy việc chuyển thành doanh nghiệp không trở thành gánh nặng.

Năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng ở mức kỷ lục, đạt trên 110.000 doanh nghiệp. Năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.295,9 nghìn tỷ đồng. Nhiều thương hiệu của khu vực kinh tế tư nhân đã hình thành, được ghi nhận tại thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân, doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi năng lực về vốn và công nghệ cao.

Nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu là có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Để đạt được mục tiêu này, ngoài sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân cũng cần không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh đặc biệt khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập thông qua hiệp định thương mại CPTPP cũng như các hiệp định thương mại khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp tư nhân: Động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng vẫn “chậm lớn”?