Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 2 tuần (từ 7-11/5 và 14-18/5), thanh khoản hệ thống ngân hàng tương đối dư thừa. Để giải quyết tình trạng thanh khoản dư thừa, các ngân hàng tăng cường mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng vấn đề lớn nhất và nguy hiểm nhất của nền kinh tế hiện nay chính là tình trạng DN suy kiệt nguồn vốn trong khi ngân hàng đóng băng tín dụng. Ông Nghĩa cho rằng, muốn khắc phục tình trạng trên thì đối với nhóm những DN tốt, có khả năng phục hồi sản xuất nhưng tồn kho cao, cần tiếp tục hạ lãi suất tiền vay thêm nữa để họ mạnh dạn vay đầu tư trung dài hạn. Còn đối với nhóm đối tượng DN nhỏ và vừa, phải tìm mọi cách làm lành mạnh bảng cân đối tài sản để đưa họ trở về chuẩn mực tín dụng, bằng cách Chính phủ phải bỏ ra một khoản tiền mua lại nợ xấu của họ thì họ mới có thể vay khoản mới.
Ảnh minh hoạ
Giải quyết nợ xấu là một trong những vấn đề mấu chốt để khắc phục tình trạng nói trên. Ở một số nước, Quốc hội bỏ phiếu cho ngân hàng trung ương mua nợ xấu của ngân hàng và DN hoặc dùng ngân sách để xử lý.
Có ý kiến cho rằng, nên giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng, DN quay vòng vốn nhanh hơn, giảm nhanh lượng tồn kho, giảm được áp lực đói vốn và giảm nợ lương của người lao động. Ý kiến khác thì “trách móc”: Trong khi Chính phủ hô hào và nghĩ cách cứu DN thì hầu hết ngân hàng vẫn đặt lợi ích của chính mình lên hàng đầu và không biết chia sẻ khó khăn với DN và nền kinh tế, bằng chứng là ngân hàng lãi “khủng” trong khi DN “chết” hàng loạt, kinh tế đình đốn.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng DN phải tự chịu trách nhiệm về bài toán kinh doanh của mình, chứ không nên ỷ lại và Nhà nước hay chớ được “cứu”. Nếu DN có cách làm hay, có dự án tốt, quản trị tốt thì chắc chắn việc tiếp cận vốn không quá khó khăn. Đa số các DN kêu khó là những DN hoặc làm ăn không hiệu quả, hoặc đã “chôn” vốn vào bất động sản nên giờ các ngân hàng không dám cho vay thêm nữa. Cũng đừng vội trách ngân hàng, họ cũng là DN, đi kinh doanh tiền, rủi ro của DN không thể đổ cho ngân hàng vì bản thân họ cũng đã và đang đau đầu vì cho các DN vay kinh doanh bất động sản, lại khó thu hồi nợ.
Trung Nguyễn