Doanh nghiệp sẽ nhanh phục hồi khi có chính sách mạnh mẽ, thiết thực hơn

Trang Nhi| 07/10/2021 12:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đánh giá cao chiến lược chuyển từ “zero COVID” sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ, các hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng chiến lược cần đi đôi với các chính sách sát thực để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Thích ứng an toàn với các giải pháp “dài hơi”

Chiến lược “thích ứng an toàn với COVID-19” được các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp ủng hộ bởi tính kịp thời, sát với mong mỏi của doanh nghiệp. Song, họ, những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19, cho rằng Chính phủ cần sớm đưa các giải pháp, chính sách vào thực tiễn, phù hợp đối tượng.

Cụ thể, CEO Lê Dung - Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup cho rằng, Chính phủ cần ban hành chính sách giảm thuế thu nhập; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, tăng thời hạn hỗ trợ cho DN. Đồng thời, giảm số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế.

1.png

Nhiều giải pháp được đưa ra để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới”.

Bên cạnh đó, nên giảm thuế giá trị gia tăng cho các loại hình dịch vụ như: Du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim… để tạo ra hiệu ứng tác động lớn hơn và cú hích hồi phục mạnh hơn với các ngành đang chịu ảnh hưởng cực kỳ nặng nề bởi dịch bệnh này. Về đối tượng được giảm thuế thu nhập DN nên mở rộng ra các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu khá lớn và chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19.

Đặc biệt, đề xuất Chính phủ quan tâm hơn, thông qua chính sách và sự hỗ trợ đối với lực lượng nữ làm chủ DN. Bởi họ vừa duy trì hoạt động của DN, vừa chăm lo quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc, dạy dỗ con cái... mất rất nhiều thời gian.

Hay Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiết bị Sao Việt Đào Thị Thúy Anh đề xuất Chính phủ xem xét cho doanh nghiệp được tự nhập khẩu test nhanh, đề nghị Bộ Y tế không quy định bắt buộc các doanh nghiệp hoạt động phải xét nghiệm toàn bộ người lao động định kỳ 3 ngày, hay 7 ngày/lần mà chuyển sang chỉ xét nghiệm đối với đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao để giảm chi phí cho DN.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Aligro Hoàng Văn Linh mong Chính phủ nới lỏng các hoạt động kinh doanh để tạo điều kiện thuận tiện cho người dân và DN được hoạt động bình thường.

Ngoài ra, để hoạt động sản xuất của DN ảnh hưởng ở mức thấp nhất, DN mong muốn Chính phủ phân bổ vaccine một cách hợp lý, ưu tiên người lao động, như vậy việc sản xuất của DN sẽ giảm nguy cơ bị đình trệ do dịch.

Bên cạnh đó, điều chỉnh lại việc phân xe luồng xanh cho các DN một cách hợp lý, để hàng hoá được lưu thông một cách dễ dàng, tránh không bị tồn đọng ảnh hưởng đến hoạt động của DN.

Cần cơ chế, chính sách mới thiết thực và mạnh mẽ hơn

Thực tế, chính sách về thuế hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành nhưng mới chỉ dừng ở mức hoãn, giãn thời gian nộp chứ chưa giảm, vì vậy, hết thời gian giãn nộp, doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền thuế được gia hạn trước đó.

Mặt khác, tỷ lệ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp còn rất hạn chế, nhiều chính sách ban hành ngắn hạn, chưa tướng xứng với tình trạng và khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Nhiều dự báo cho rằng, phải đến giữa năm 2022, các doanh nghiệp mới phần nào khôi phục được. Do đó, bên cạnh việc kéo dài thêm các chính sách hỗ trợ như gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất… cần có thêm các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Tại Diễn đàn chính sách trực tuyến với chủ đề: "Hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19: Từ chính sách đến thực tiễn”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, nguồn lực có hạn nên nếu hỗ trợ quá nhiều ngành thì sẽ không có hiệu quả tích cực, nhưng chọn ngành nào, lĩnh vực nào quan trọng lại là vấn đề gây “tranh cãi”. Vì thế, hiện một số địa phương đã chủ động, lựa chọn những khu vực kinh tế, những dự án tạo ra cú hích cho phát triển để hỗ trợ với nguyên tắc sản xuất là việc của doanh nghiệp, phòng chống dịch là nhiệm vụ của chính quyền.

2.jpeg

Chính sách sát thực sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Ông Tuấn cũng đề xuất giải pháp không tốn nhiều nguồn lực mà doanh nghiệp đều được thụ hưởng, đó là phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn của các quy định pháp luật còn gây phiên hà, chồng lấn. Việc cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục được ưu tiên đẩy mạnh hơn nữa để tạo hiệu ứng lớn trên thực tế, tạo nên nhiều lực đẩy, động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Đồng quan điểm với Chủ tịch HĐQT Công ty CP Aligro, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cũng cho hay, nguyện vọng của doanh nghiệp lớn nhất bây giờ là được hoạt động. Nguyện vọng tiếp theo của doanh nghiệp là được cơ quan nhà nước đặt vào vai trò đồng hành, cùng tham gia vào việc quản lý an toàn trong dịch bệnh, là chủ thể chính của sự phục hồi kinh tế chứ không phải đặt doanh nghiệp trong vai nhận sự hỗ trợ, được giải cứu, bị động như hiện nay.

Do đó, khi xây dựng chính sách, phần tham vấn doanh nghiệp cần chiếm tỷ trọng cao hơn để chính sách sát với thực tiễn, dễ thực thi. Ngoài ra, hoạt động đối thoại công - tư cần được đẩy mạnh, cơ quan xây dựng chính sách cần chủ động đối thoại với doanh nghiệp hơn nữa.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần vào cuộc, đối thoại với doanh nghiệp từ đó đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp. Chính sách tài khóa phải vào cuộc, đẩy mạnh bảo lãnh để doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn vay.

Để có nguồn lực giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, Chính phủ có thể xem xét phát hành trái phiếu, vay của ngân hàng trung ương như các nước đang làm chứ không chỉ dùng chính sách tiền tệ.

Ngoài chính sách hỗ trợ, theo các chuyên gia, thủ tục áp dụng cũng cần được thiết kế thật đơn giản, dễ áp dụng, đừng để doanh nghiệp phải cân nhắc giữa số tiền được hỗ trợ với thời gian và công sức mà doanh nghiệp bỏ ra có đáng phải làm hay không.


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp sẽ nhanh phục hồi khi có chính sách mạnh mẽ, thiết thực hơn