Hơn lúc nào hết, giờ đây rất cần trách nhiệm xã hội của các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh, cùng chia sẻ gánh nặng với nền kinh tế đất nước trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Sau cơn sốt giá, nhiều người tiêu dùng từ trạng thái “sốc” đã dần chuyển sang “bão hoà” khi giá mọi loại hàng hoá tăng một cách chóng mặt được lý giải mở đầu hay kết thúc đều bằng cụm từ “xăng tăng giá”. Thì một nghịch lý lại xảy ra khi giá xăng hạ nhiệt, hàng hoá dường như vẫn "án binh bất động" khiến cho người tiêu dùng lại một phen ngẩn ngơ.
Cụ thể, sau đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần thứ 5 theo chu kỳ của liên Bộ Công Thương-Tài chính vào chiều ngày 11/8 vừa qua, giá xăng E5 RON 92 về mức 23.720 đồng, tương đương với mức giảm 900 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 940 đồng về mức 24.660 đồng/lít. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp cho rằng chi phí cho hoạt động sản xuất đà giảm vẫn còn hạn chế so với sự hạ nhiệt của giá xăng dầu. Khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải cũng tăng từ 10-15%. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu giảm thì cước vận tải chỉ giảm 5%.
Bên cạnh đó, giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào khác vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể. Điều này tiếp tục gây ra thách thức cho doanh nghiệp và giá thành sản phẩm. Do vậy, đối với người tiêu dùng, giá nhiều loại hàng hoá, dịch vụ, trong đó có các mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn tiếp tục neo ở mức cao như: Giá thịt lợn, cước vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, lương thực, thực phẩm… gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước vừa trải qua 2 năm đại dịch.
Điều hành giá nói chung, nhất là những mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu là điều vô cùng khó, bởi giá cả chịu sự chi phối của thị trường dưới tác động của quy luật cung cầu và sự biến động của tình hình thế giới.
Thời gian qua, trước biến động của thị trường xăng dầu thế giới, nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh cần chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát… Nhà nước đã sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thậm chí đưa thêm công cụ hỗ trợ về thuế, phí để nỗ lực hạ nhiệt giá xăng dầu.
Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã có nhiều cuộc họp với các Tư lệnh ngành để chỉ đạo các giải pháp hạ nhiệt giá xăng dầu, giảm tác động của tăng giá tới đời sống người dân. Mới đây nhất, tại Công văn số 5142/VPCP-NN ngày 12/8/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Công Thương về chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho các đối tượng có thu nhập thấp và về hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân để có tham mưu, chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời.
Trước đà giảm của giá xăng dầu trên thị trường thế giới, cùng với sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ và sự rốt ráo vào cuộc của các ngành chức năng, giá các mặt hàng xăng, dầu đã liên tục được điều chỉnh giảm trong gần 1 tháng qua, trong đó có những kỳ đã mức giá giảm rất sâu để chia sẻ khó khăn với người dân. Song, tình trạng “tăng nhanh, giảm chậm” đang tồn tại như một nghịch lý trên thị trường, giá xăng tăng thì nhiều mặt hàng tăng chóng mặt, nhưng khi giá xăng giảm sâu thì các mặt hàng khác lại không hề có động thái gì.
Theo lý giải của Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương, nguyên nhân của tình trạng "tăng nhanh, giảm chậm” là do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu khi cần điều chỉnh giảm thì phải có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp từ giá xăng dầu rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo đà giảm của giá xăng dầu.
Không phản đối ý kiến này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng độ trễ là sự thận trọng cần thiết, song, ông cho rằng điều này “không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là "nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống".
Vị chuyên gia này nhấn mạnh có độ trễ nhưng “không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay”.
Vẫn biết giá hầu hết các sản phẩm hàng hóa đều đã vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, “độ trễ” đến mức nào thì thật khó đong đếm. Nhưng những thiệt thòi mà người tiêu dùng phải gánh chịu thì thấy rõ như “tiền tươi, thóc thật”, điều này cũng đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến các cân đối lớn, đến lạm phát, đến sự ổn định của nền kinh tế đất nước.
Chỉ cách đây mấy ngày, tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp, Người đứng đầu Chính phủ đã bày tỏ trăn trở muốn lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách với tinh thần như một thông điệp xuyên suốt là "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng kỳ vọng rằng: “Mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp hãy là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm, bản lĩnh trên mặt trận kinh tế, nỗ lực cùng Chính phủ sớm giành được chiến thắng trong cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển bền vững".
Trong những lúc nền kinh tế gặp nan nguy, Nhà nước đã hi sinh ngân sách, Chính phủ cũng đã điều hành linh hoạt, quyết đoán, vận dụng hết các công cụ để cân đối với vai trò bệ đỡ, hỗ trợ nền kinh tế, tại sao doanh nghiệp còn chần chừ? Tại sao vẫn “tăng nhanh, giảm chậm”?
Không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để kéo giá cả xuống. Cơ quan chức năng cũng khó có thể chuyển những động thái giảm giá xăng dầu vào việc giảm giá các mặt hàng khác. Nhưng có một điều mà không chỉ Nhà nước, mà người tiêu dùng vẫn có quyền đòi hỏi, đó là trách nhiệm cộng đồng của mỗi doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, giờ đây rất cần trách nhiệm xã hội của các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh, cùng chia sẻ gánh nặng với nền kinh tế đất nước trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội nói chung, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững.