Từ 1/2018, doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) có thể sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, không phải tất cả hành vi trốn đóng BHXH đều bị hình sự hóa.
Mới có 250.000 doanh nghiệp tham gia BHXH
Có thể nói trục lợi BHXH, BHYT vi phạm các quy định về đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp được ghi nhận diễn ra ngày càng phức tạp trong thời gian gần đây. Doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT khiến người lao động thiệt hại về quyền lợi, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Đặc biệt, hiện có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn, không thể thu hồi và quyền lợi của hơn 193.000 người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị "treo" chưa được giải quyết.
Tại buổi tọa đàm “Từ năm 2018, đóng và xử lý vi phạm BHXH như thế nào?” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết hiện nay chúng ta có khoảng hơn 600.000 doanh nghiệp nhưng mới có khoảng 250.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Trong hơn 300.000 doanh nghiệp còn lại, có những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hay tập trung các cán bộ về hưu. Với 100.000 doanh nghiệp đã được tiến hành kiểm tra năm 2017, có tới 60.000 doanh nghiệp không có trong địa bàn kinh doanh. Sau khi vận động 40.000 doanh nghiệp, BHXH đã thu được thêm của hơn 100.000 người.
Nghị quyết số 41/2017/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 20/6 về việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 qua đó đã bổ sung Tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp (Điều 214), Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN (Điều 216). Hành vi vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội sẽ có khả năng hình sự hóa với những bản án tù không ít năm.
Theo ông Trần Đình Liệu, việc vi phạm hành vi đóng và hưởng được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự thể hiện tính nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm như chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng…
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Không hình sự hóa tất cả các hành vi trốn đóng BHXH
Tham dự tọa đàm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết việc xử lý hình sự để bảo đảm công bằng trong kinh doanh của các doanh nghiệp, bình bẳng trước pháp luật.
“Chúng ta tiến tới nền hành chính thực hiện theo thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật. Các doanh nghiệp cần làm tròn nghĩa vụ của mình. Một doanh nghiệp trốn đóng BHXH chứng tỏ mối quan hệ với người lao động không tốt và không tạo niềm tin để người lao động muố đóng góp, xây dựng, phát triển doanh nghiệp. Dứt khoát 3 điều luật này ra đời thì việc tuân thủ của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn”, ông Lợi nói.
Tuy nhiên ông Lợi cũng đánh giá doanh nghiệp trong cơ chế thị trường là cực kỳ khó khăn, phải tiết kiệm từng đồng chi phí để giảm giá thành, hội nhập, tiêu thụ sản phẩm. Do đó, cần thông cảm với doanh nghiệp và phân tích kỹ đâu là trường hợp lạm dụng, chiếm dụng hay là nợ do khó khăn. Cần xây dựng quy trình hết sức chặt chẽ, hiệu quả nhưng cũng khích lệ cho doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế tăng trưởng và phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Quân, công cụ của Bộ luật Hình sự đưa vào xử phạt tù là đối với những trường hợp mà trong Luật quy định rõ. Đó là đối với trường hợp gian lận, gian dối, dùng thủ đoạn. Một việc làm cần thiết hiện nay được Thứ trưởng Lê Quân chỉ ra đó là cần phải có định nghĩa, hướng dẫn thật cụ thể của Hội đồng thẩm phán - Tòa án nhân dân tối cao như thế nào là các hành vi “gian lận”, “gian dối” hay “thủ đoạn khác”. “Chúng ta đã có xử phạt vi phạm hành chính và cũng không hình sự hóa tất cả các hành vi trốn đóng.”, Thứ trưởng khẳng định. Cũng theo Thứ trưởng, sắp tới sẽ có website truy cập trực tuyến để người lao động được biết mình được đóng bảo hiểm đến đâu. Công khai các thông tin này sẽ giúp bản thân người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội, công đoàn có thể cùng giám sát.
Theo đại diện của BHXH Việt Nam, trong năm 2017, BHXH Việt Nam cũng đã quy định rất rõ trong quy định hướng dẫn của ngành về những trường hợp phải thanh tra đột xuất, có dấu hiệu như 3 tháng nợ đọng mà cơ quan BHXH đã 2 lần làm việc và thông báo. Tùy từng trường hợp cụ thể và mức độ, doanh nghiệp có khó khăn không, vẫn hoạt động bình thường hay cố tình trốn đóng? Doanh nghiệp có quyền khiếu nại. Có những doanh nghiệp BHXH ra quyết định thanh tra đóng thì đóng ngay, không kiểm tra thêm và kết luận. Đơn vị thực sự khó khăn thì theo quy định phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền.