Doanh nghiệp FDI “lách luật” xù nợ, trốn thuế

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuyện các DN có vốn đầu tư nước ngoài trốn nợ thuế đã được nói đến khá nhiều, song mới đây, khi Tổng cục Hải quan tiếp tục phát đi lời cảnh báo về tình trạng này cho thấy đây không chỉ là vấn đề của ngành thuế.

Trước đó, báo chí đưa tin Công ty Diing Long Việt Nam (Bình Dương) đang nợ thuế khoảng 17 tỷ đồng và nợ ngân hàng 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã bỏ trốn về nước. Trong vụ này, ngân hàng cũng sẽ bị thiệt hại không nhỏ, bởi nếu có phát mại tài sản của DN này để lại cũng chỉ có thể thu về phân nửa số nợ.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tổng cục Hải quan cho rằng, một số DN FDI lợi dụng quy định thông thoáng của Luật Thuế xuất nhập khẩu và Luật Quản lý thuế để trốn thuế hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, quy định hiện hành cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công. Các mặt hàng tạm nhập - tái xuất, nhập để sản xuất hàng xuất khẩu (đáp ứng được một số điều kiện của Luật Quản lý thuế) thì được áp dụng thời gian nộp thuế lên tới 275 ngày (15 ngày đối với hàng tạm nhập tái xuất). Trong thời gian được miễn thuế hoặc được ân hạn thời gian nộp thuế, nhiều DN FDI tranh thủ nhập hàng hóa, sau đó tự ngừng hoạt động, chủ DN bỏ về nước. Hậu quả là cơ quan hải quan không thể thu hồi được khoản nợ thuế bị treo lại của các đối tượng này. Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố rà soát DN bỏ trốn, mất tích, không kinh doanh, ngừng và tạm ngừng hoạt động kinh doanh còn nợ thuế… Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc để xảy ra nợ thuế và phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thu hồi.


Các cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài luôn được Nhà nước chú trọng. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế là yêu cầu bức thiết để làm trong sạch môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng DN xù nợ, trốn thuế không thể không nói đến trách nhiệm cua cơ quan thuế, hải quan trong việc quản lý, giám sát hoạt động của các DN, bởi tình trạng này không chỉ mới diễn ra gần đây.


Bên cạnh đó, cần có chế tài đủ mạnh để răn đe đối với các chủ DN FDI có hành vi trốn thuế, ví như truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phối hợp với cảnh sát nước ngoài để xử lý. Làm như vậy, một mặt để các DN có ý thức chấp hành pháp luật Việt Nam, mặt khác tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh để các DN chân chính yên tâm đầu tư, kinh doanh.


Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp FDI “lách luật” xù nợ, trốn thuế