Tiếp tục chương trình nghị sự tại Đại hội đồng AIPA-42, sáng nay 24/8, tại phiên họp của Ủy ban Chính trị, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà dẫn đầu đã cho ý kiến vào các dự thảo nghị quyết.
Về dự thảo Nghị quyết Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN do Brunei bảo trợ, đoàn Việt Nam cơ bản ủng hộ nội dung của dự thảo nghị quyết. Đây cũng là nội dung đang là ưu tiên của Việt Nam trong nỗ lực tăng cường năng lực, tham gia và thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, tập trung vào các vấn đề hợp tác an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu ở Việt Nam và ASEAN, thúc đẩy an ninh con người, thúc đẩy ngoại giao nghị viện, tăng cường hợp tác AIPA-ASEAN trong lĩnh vực này.
Các ý kiến đề xuất thành lập các cơ chế hợp tác khu vực qua kênh nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm trong hoàn thiện chính sách, giám sát triển khai an toàn an ninh mạng và các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ chống lại đại dịch Covid-19; tiếp tục duy trì hợp tác quốc tế, với tinh thần thống nhất nhận thức chung và hành động của Cộng đồng ASEAN đối với an ninh mạng, hướng tới một khuôn khổ hợp tác khu vực để tạo thuận lợi cho phối hợp bảo đảm an ninh mạng.
Nâng cao hợp tác và duy trì môi trường hòa bình
Tiếp đó, Ủy ban Chính trị xem xét dự thảo Nghị quyết Tăng cường ngoại giao nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN do Thái Lan bảo trợ.
Đoàn Việt Nam hoan nghênh dự thảo nghị quyết này và cho rằng, hơn lúc nào hết, các quốc gia cần đề cao trách nhiệm trong hợp tác duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định để tập trung ứng phó và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19. Các nghị viện cần phát huy vai trò tích cực hình thành môi trường hòa bình, an ninh khu vực dựa trên luật lệ.
Vì vậy, Đoàn Việt Nam đề xuất đề cao vai trò của các nghị viện trong việc nội luật hóa các cam kết quốc tế của các nước thành viên ở cả quy mô khu vực và toàn cầu; tăng cường giám sát thực hiện nghĩa vụ và cam kết trong các khuôn khổ điều ước quốc tế.
Quốc hội các nước thành viên cần đóng vai trò tích cực trong việc xem xét ban hành sửa đổi bổ sung những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, dựa trên luật pháp quốc tế-như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), củng cố lòng tin lẫn nhau, bảo đảm các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, đóng góp vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, góp phần thúc đẩy phát triển.
Ngoại giao nghị viện cần góp phần thúc đẩy ngoại giao giữa các quốc gia, dân tộc, đồng thời ủng hộ các Chính phủ các nước ASEAN đẩy mạnh hội nhập khu vực, xây dựng Cộng đồng ASEAN tôn trọng luật lệ, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới người dân, cùng ứng phó với những thách thức toàn cầu như Covid-19.
Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng chống đại dịch
Cũng trong sáng nay, đoàn Việt Nam cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về tăng cường an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm vì ASEAN do Malaysia đề xuất.
Đại diện Đoàn Việt Nam nêu rõ: Việt Nam đánh giá cao đề xuất của Malaysia và ủng hộ việc thông qua Nghị quyết này. Tuy nhiên, hiện nay, khái niệm an ninh con người chưa được định nghĩa thống nhất tại Liên Hợp Quốc và ASEAN mà mới chỉ đưa ra một số thành tố. Trong đó, theo Liên Hợp Quốc, an ninh con người gồm hai khía cạnh chính là: an toàn trước những mối đe dọa kinh niên như nạn đói, bệnh tật và sự đàn áp; và bảo vệ chống lại sự phá vỡ đột ngột và gây tổn thương đối với mẫu hình cuộc sống hằng ngày - cho dù trong gia đình, trong công việc hay trong cuộc sống. Theo đó, xác định an ninh con người bao gồm các thành phần như: an ninh kinh tế; an ninh lương thực; an ninh y tế; an ninh môi trường; an ninh cá nhân; an ninh cộng đồng và an ninh chính trị.
Phía Việt Nam cũng khuyến nghị thúc đẩy hiểu biết chung về khái niệm và cách tiếp cận an ninh con người, trên cơ sở cần đảm bảo tuân thủ Hiến chương ASEAN, Tuyên bố ASEAN về nhân quyền và các văn bản khác có liên quan của ASEAN.
Bên cạnh đó, đứng từ góc độ coi đại dịch Covid-19 đang tác động nặng nề đến an ninh con người, Việt Nam đề nghị các Nghị viện AIPA thúc đẩy chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng chống đại dịch, kiểm soát lây lan dịch bệnh, cũng như các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch. Những chia sẻ dữ liệu và công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực này cũng góp phần bảo đảm an ninh con người, trong đó Việt Nam cũng có thể chia sẻ các kinh nghiệm trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ truy vết và cảnh báo, quản lý giãn cách, quản lý tiêm chủng...