Sáng 5/8, Đoàn ĐBQH Tp Hải Phòng đã tổ chức tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ thất, Quốc hội khoá XV.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi là các đại biểu Quốc hội ở Trung ương của Đoàn Hải Phòng ngồi ở Toà Nhà quốc hội cùng đoàn ĐBQH của Thành phố gặp gỡ trực tuyến với khoảng 5.000 cử tri ở hơn 200 điểm cầu, xuống tận cấp xã.
Kỳ họp thành công trên nhiều phương diện
Tại hội nghị, đại diện đoàn ĐBQH Thành phố báo cáo kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đến các cử tri.
Cử tri tham dự đều bày tỏ phấn khởi về thành công của Kỳ họp trong bối cảnh rất đặc biệt và cho rằng: Quốc hội đã thể hiện xuất sắc những bài học, kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người từng lãnh đạo đất nước đối mặt với những khó khăn, phức tạp bằng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Theo đó, Quốc hội đã rất nhạy bén, nắm chắc tình hình đất nước và đã linh hoạt, trách nhiệm khi bổ sung Nghị quyết kỳ họp thứ nhất với những nội dung chưa từng có tiền lệ, trao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những cơ sở pháp lý cần thiết để chủ động linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch Covid-19. Quốc hội chủ động rút ngắn thời gian họp để các địa phương, bộ ngành dồn sức chống dịch.
Cử tri cũng rất ấn tượng việc Quốc hội đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước cấp cao, là những đồng chí có đủ tài, đức để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Các cơ quan của Quốc hội đã chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình, giúp Quốc hội lần đầu tiên quyết định các nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là các nội dung liên quan đến đầu tư công và tài chính – ngân sách ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, khắc phục một bước quan trọng việc đầu tư công còn dàn trải và tăng cường tính bền vững, hiệu quả nền tài chính quốc gia.
Như vậy, Kỳ họp thứ Nhất đã rất thành công trên cả 2 phương diện: Những công việc mà kỳ họp đã hoàn thành và những khó khăn, phức tạp của đại dịch Covid-19 mà kỳ họp đã vượt qua, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và kỳ vọng mong đợi của cử tri cả nước.
Nhiều cử tri khác đề nghị Nhà nước quan tâm thực hiện “mục tiêu kép”, quyết không để xảy ra thảm cảnh “sau chống dịch là chống đói”; có cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực để động viên, biểu dương, khen ngợi những đóng góp của các lực lượng chống dịch; đề nghị Quốc hội nghiên cứu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân”, để có những quyết sách mạnh mẽ tháo gỡ khó khăn, tạo ra bước phát triển đột phá cho ngành y tế.
Các cử tri kiến nghị Quốc hội và Chính phủ có chiến lược căn cơ, bài bản nhằm đưa các thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… lọt vào nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và Thế giới trước năm 2045; thí điểm một số cơ chế, chính sách mới của đất nước để phát triển thành phố Hải Phòng theo định hướng tại Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị; đầu tư phát triển đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ, trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực phía Bắc, về cơ chế, chính sách phát triển du lịch biển đảo và kinh tế biển;…
Sau khi lắng nghe ý kiến của cử tri Thành phố, thay mặt Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ cảm ơn cử tri Hải Phòng đã theo dõi, ghi nhận và đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Nhất. Quốc hội đã nỗ lực, chủ động, đổi mới, linh hoạt trong cách thức làm việc, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan liên quan để hoàn thiện, cập nhật và hoàn thành chương trình Kỳ họp.
Làm rõ nội dung cử tri kiến nghị
Với 8 ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cử tri đã đề cập đến những vấn đề lớn, toàn diện đối với sự phát triển của Thành phố Cảng, và cả của đất nước, trong đó có những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Trung ương và những vấn đề liên quan trực tiếp đến thẩm quyền của Thành phố.
Trong đó, về chiến lược phát triển đô thị, Chủ tịch Quốc hội cho biết, điểm mới của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là hết sức coi trọng chiến lược, tư duy, tầm nhìn, công cụ và chính sách để phát triển đô thị và kinh tế đô thị khi 75% động lực tăng trưởng trên thế giới đến từ khu vực đô thị. Trong năm nay, Bộ Chính trị sẽ ban hành một nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này để triển khai thực hiện. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thành phố lớn như Hải Phòng cần nhận thức sớm để triển khai thực hiện.
Nhận thấy cử tri và nhân dân Hải Phòng có khát vọng rất lớn để phát triển Thành phố, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền TP Hải Phòng cùng với các bộ, ngành của Trung ương khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng để trình Quốc hội xem xét, trong đó, cần nghiên cứu đề xuất cả về mô hình chính quyền đô thị, các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, về quy hoạch, quản lý đất đai…
Ghi nhận kiến nghị của cử tri ngành kế hoạch và đầu tư của Thành phố về tỷ lệ điều tiết ngân sách cho địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBND TP Hải Phòng đề xuất cụ thể với Bộ Tài chính, Chính phủ, trên cơ sở cân đối tổng thể của cả nước để xem xét, quyết định. Đồng thời ông cũng lưu ý Hải Phòng đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên, tinh gọn bộ máy để tăng thêm nguồn lực đầu tư phát triển; Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu cho UBND Thành phố rà soát lại tất cả các dự án BT đã bố trí quỹ đất nhưng không còn được phép thực hiện để tạo được quỹ đất sạch, đấu giá quyền sử dụng đất, bổ sung cho đầu tư công trung hạn của địa phương.
Về kiến nghị sửa đổi Luật Đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội, Chính phủ cũng đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư công – tư, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, doanh nghiệp… Nếu cần thiết, vướng do luật thì có thể sử dụng một luật để sửa đổi một số luật, nếu vướng ở nghị định, thông tư thì có thể sử dụng một nghị định, một thông tư để sửa đổi một số nghị định, một số thông tư. “Tinh thần là trách nhiệm của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã trao đổi, làm rõ các nội dung được cử tri kiến nghị về: Tiêu chí, nguồn lực xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng quy hoạch và chính sách để giải quyết vấn đề môi trường nông thôn, môi trường các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, thu gom, xử lý rác thải, nước thải ở đô thị và vùng nông thôn theo công nghệ mới; phát triển hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, bảo tồn môi trường biển…
Chủ tịch Quốc hội mong muốn khi điều kiện cho phép, các ĐBQH sẽ tiếp xúc cử tri trực tiếp để lắng nghe được nhiều hơn các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân Thành phố, mong cử tri liên tục giám sát, động viên, nhắc nhở các ĐBQH trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.