Ngày 27/7, Đoàn của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) do ông Kawanishi Hajime, Cố vấn trưởng đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo TAND Tp Hồ Chí Minh.
Về phía TAND Tp Hồ Chí Minh có bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND Tp Hồ Chí Minh và lãnh đạo Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Buổi làm việc này được thực hiện theo kế hoạch hoạt động năm 2016, dự kiến TANDTC Việt Nam phối hợp với Jica tổ chức đoàn tham quan, khảo sát tại Nhật Bản để tìm hiểu về Tòa gia đình. Phía Jica muốn được tham quan và tìm hiểu cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Tòa gia đình và người chưa thành niên của Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Tòa, ông Đỗ Giang, Phó Chánh tòa Tòa gia đình và người chưa thành niên đã báo cáo với đoàn. Theo đó, Tòa gia đình và người chưa thành niên trực thuộc TAND Tp Hồ Chí Minh được thành lập theo quyết định của Chánh án TANDTC. Tòa có 1 Chánh tòa, 3 Phó Chánh tòa, 12 thẩm phán, 2 thẩm tra viên và 12 thư ký tòa án. Tòa gia đình và người chưa thành niên có chức năng, nhiệm vụ giải quyết sơ thẩm các vụ án hôn nhân có yếu tố nước ngoài; giải quyết phúc thẩm các vụ án hôn nhân và gia đình có kháng cáo, kháng nghị của TAND cấp quận, huyện. Về các loại án liên quan đến người chưa thành niên, Tòa thực hiện việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm hình sự những vụ án có liên quan đến người chưa đủ 18 tuổi phạm tội hoặc vụ án mà người đủ 18 tuổi nhưng bị hại là người chưa thành niên. Ngoài ra, Tòa còn xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án đối với người chưa thành niên.
Đoàn chuyên gia Jica làm việc với lãnh đạo TAND Tp Hồ Chí Minh
Sau gần 3 tháng được thành lập, Tòa gia đình và người chưa thành niên đã thụ lý giải quyết 151 vụ, việc các loại. Trong thực tiễn xét xử tòa gặp một số khó khăn vướng mắc như: do lần đầu tiên được thành lập nên việc tổ chức điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên còn nhiều hạn chế. Mặc khác, có nhiều vụ án dân sự, nhất là án hôn nhân và gia đình, người chưa thành niên phải theo bố mẹ đến tòa án để nghe những lời không phù hợp với trẻ em.
Việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên ở trong TAND không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp thiết mà nó còn góp phần bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam, trong đó có yêu cầu góp phần bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Đây là tòa án thân thiện với trẻ em, giải quyết hiệu quả, hợp tình hợp lý những vụ việc về hôn nhân, gia đình theo các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ quyền con người.
Đặc biệt, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới ký công ước về quyền trẻ em. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo TANDTC, Thành ủy Tp Hồ Chí Minh, các ban ngành tại địa phương và lãnh đạo TAND Tp Hồ Chí Minh vẫn ưu tiên, tập trung nguồn kinh phí lớn để nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc theo mô hình mới như xây dựng phòng xét xử thân thiện, phòng y tế, phòng trẻ em, giám sát tâm lý, tư vấn, hòa giải, lắp đặt camera quan sát. Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND Tp Hồ Chí Minh rất quan tâm, chỉ đạo sâu sát đến mọi hoạt động của đơn vị. Các thẩm phán được điều động về làm việc tại Tòa gia đình và người chưa thành niên phần lớn là các thẩm phán có thâm niên, có kinh nghiệm giải quyết án, đảm bảo chất lượng chuyên môn.
Đoàn chuyên gia Jica tham quan phòng xử
Bà Ung Thị Xuân Hương chia sẻ, Tòa gia đình và người chưa thành niên rất cần có chuyên gia tâm lý nhưng luật chưa có quy định. TAND Tp Hồ Chí Minh đã tham khảo ý kiến của các ban ngành có liên quan, họ rất ủng hộ xét xử của Tòa gia đình và người chưa thành niên phải có chuyên gia tâm lý. Vì vậy, sắp tới sẽ thành lập Hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia tâm lý trên nhiều lĩnh vực để hỗ trợ thẩm phán trong quá trình xét xử.
Tòa gia đình và người chưa thành niên vừa mới được thành lập nên rất cần những nước có nhiều kinh nghiệm xét xử loại án này đào tạo cán bộ về kỹ năng giao tiếp, xét xử án. Ông Kawanishi Hajime cho biết, Nhật Bản sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam đào tạo cán bộ và tạo điều kiện để cán bộ Tòa án Việt Nam tham quan, khảo sát các tòa án gia đình của Nhật Bản.