Kết thúc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của Học sinh, sinh viên 2019 bất kể ai cũng ấn tượng với tính nhân văn trong dự án “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục” của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Tính nhân văn trong đề án giành giải nhất tại SV STARTUP 2019
Chia sẻ với phóng viên, TS. Nguyễn Thị Kim Cúc – giảng viên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – cố vấn chuyên môn của nhóm nói: “Khi các bạn ấy làm đề tài này điều đầu tiên mình nghĩ tới chính là tính nhân văn. Bởi sau khi sản phẩm hoàn thiện sẽ tới tay được bệnh nhân không may bị tai nạn vỡ sọ, vỡ xương hay u ương”.
Cơ duyên chị với nhóm phát triển dự án khi Trường ĐH Y Hà Nội đã chủ động đặt cho nhóm thiết kế một mảnh sọ nhân tạo khít với vùng tổn thương của bệnh nhân. “Được biết, bệnh nhân này bị tai nạn giao thông vỡ hai mảnh sọ trên đầu, tuy nhiên không thể dùng mảnh sọ ở trên thị trường người ta vẫn bán”, TS. Cúc cho biết.
TS. Nguyễn Thị Kim Cúc (áo đỏ) cùng nhóm tác giả của Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục.
Bên cạnh đó, sau khi đặt hàng Trường ĐH Y Hà Nội đã yêu cầu ngoài thiết kế mảnh sọ nhân tạo khít với vùng tổn thương của bệnh nhân thì phải làm sao cho có tính thẩm mỹ để bệnh nhân có thể tự tin giao tiếp với xã hội. Đồng thời, bệnh nhân này đang có nguy cơ bị động kinh nên nhóm đã rất khẩn trương trong quá trình thiết kế tạo hình. Thời gian nghiên cứu ra sản phẩm hoàn thiện cả nhóm đã miệt mài và phải mất khoảng hơn 3 tháng để hoàn thành.
Được biết, sản phẩm này, có sự kết hợp giữa kỹ thuật tạo hình, chế tạo sản phẩm và bên chuyên làm sạch, thử nghiệm lâm sàng trên động vật. “Thử nghiệm trên động vật và người khắt khe lắm, khi đưa vào nếu không thích hợp nó sẽ thải loại ngay”, TS. Cúc nói.
Những tháng ngày nghiên cứu miệt mài của thầy trò TS. Cúc cũng được ghi nhận, khi ca ghép đầu tiên đã thành công. “Bác sĩ chụp ảnh bệnh nhân sau khi ghép tương thích, cười tươi, cả cô và trò trong nhóm rất hạnh phúc vì đã làm được việc gì đó có ích cho người khác”, TS Cúc chia sẻ.
Mong muốn được đầu tư cơ sở vật chất và vốn để hoàn thiện sản phẩm
Đặt lợi ích của người dùng lên hàng đầu đặc biệt là những bệnh nhân có thu nhập thấp, chính vì vậy cả thầy và trò nhóm đang dồn sức vào nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, một điều khó khăn mà cả nhóm gặp phải chính là chi phí để mua vật liệu và thiết bị nghiên cứu. “Hiện nay, 1kg vật liệu sản xuất có thể vài chục triệu có khi lên tới cả trăm triệu. Trong khi đó, nếu sử dụng công nghệ thông thường gia công thì rất tốn vật liệu”, TS. Cúc nói.
Dự án “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục đã giành giải nhất tại SV STARTUP 2019.
Theo chia sẻ của các thành viên trong nhóm, yếu tố để thuyết phục được ban giám khảo chọn sản phẩm của mình là tính mới và tính khả thi. “sản phẩm của chúng em đã được sử dụng trên 10 bệnh nhân và phản ứng rất tích cực. Bên cạnh đó, bọn em làm đề tài khoa học công nghệ cao, tập trung vào nghiên cứu khoa học phục vụ lợi ích của cộng đồng hơn là lợi ích kinh doanh”, Tùng chia sẻ.
Được biết, dự án “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục” được kế thừa từ Đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triể công nghệ cấp thành phố do Viện nghiên cứu và phát triển vật liệu y sinh và trường Đại học Y chủ trì trong đó TS Nguyễn Thị Kim Cúc – Phòng Thí nghiệm Quang cơ điện tử phối hợp tham gia thực hiện đề tài. Nhóm sinh viên dự án “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục”: Nguyễn Thành Quyết; Nguyễn Khánh Tùng; Ngô Văn Kiên; Hán Thị Thu Thảo; Bùi Đức Toàn, |