Sáng nay, 18-10, tại khu vực biển Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng và Quân khu 5 đã tổ chức diễn tập ứng phó với sóng thần năm 2011. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự và chỉ đạo cuộc diễn tập với sự tham gia của trên 6.000 người thuộc các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương.
Trực thăng trợ giúp - Ảnh: Hữu Khá
Kịch bản giả định như sau: 8 giờ 5, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng nhận được thông báo của trung tâm báo tin động đất cảnh báo có một trận động đất với cường độ 8,8 độ Richter xảy ra ở phía Tây đảo Luzon của Philippines, gây ra nhiều thiệt hại về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Dự kiến sau khoảng 3 giờ sóng thần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển Đà Nẵng với độ cao của sóng khoảng 6m, sóng thần sẽ tràn vào đất liền từ 300-500m.
Trên bờ người dân, bộ dội nhận lệnh báo độn sơ tán; du khách rời khỏi bờ biển cùng ngư dân chuyển tàu thuyền lên bờ. (Ảnh: VTC News)
Lúc đó, có 6.500 khách du lịch trong và ngoài nước đang vui chơi giải trí khu vực ven biển. Trên biển có khoảng 75 tàu thuyền với 910 lao động của Đà Nẵng và các địa phương khác đang hoạt động đánh bắt cá. Số tàu thuyền đang neo đậu trong cảng, ven bờ và dọc các cửa sông khoảng 450 chiếc…
Khi sóng thần xảy ra, có trên 27.000 hộ thuộc 20 phường xã củanăm quận ven biển, trong đó có trên 26.000 trẻ em và người già phải sơ tán khẩn cấp. Tình huống giả định là sóng thần làm 3.000 người chết và bị thương.
Công tác cứu nạn được triển khai -(Ảnh: Hữu Khá/Tuổi trẻ)
Sau khi phát tin cảnh báo, các đơn vị phải bắt tay ngay vào xử lý tình huống: sử dụng hệ thống phương tiện thông tin phát thông báo cảnh báo sóng thần cho cư dân trên đất liền và máy bay và các phương tiện khác bay quanh vùng ven biển thông báo và yêu cầu ngư dân sơ tán, tổ chức lực lượng hỗ trợ nhân dân, học sinh sơ tán; đề nghị không quân phối hợp...
Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ nhận xét, cuộc diễn tập ứng phó với sóng thần năm 2011 tại Đà Nẵng tổ chức lần đầu nhưng đã thành công với các tình huống sát thực với thực tế, có sự phối hộ chặt chẽ, nhịp nhàng và có hiệu quả của các lực lượng tham gia trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp theo phương châm “4 tại chỗ” trong công tác tìm kiếm cứu nạn cứu hộ.
Quân Phong - Phương Lan