Sáng 23/4, tại Hà Nội diễn ra phiên họp toàn thể mô phỏng nghị viện trẻ, đây là dự án giáo dục đồng tổ chức bởi ĐH Luật Hà Nội và nhóm Việt Nam Youth Parliament với mục đích nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách.
Tại phiên họp mô phỏng nghị viện trẻ, các bạn sinh viên có cơ hội để tìm hiểu sâu các vấn đề nóng cũng như mô hình nghị viện, đồng thời là cơ hội để 100 nghị viện trẻ của chương trình chính thức lên tiếng bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến về giải pháp cho các vấn đề quan trọng của đất nước hiện nay.
Thông qua phiên họp Mô phỏng nghị viện trẻ, các nghi viện trẻ có cơ hội tìm hiểu, làm quen và thực hành công việc của một người đại biểu nhân dân ở nghị trường.
Tại đây các sinh viên có cơ hội trải nghiệm cũng như tìm hiểu quá trình hoạch định chính sách.
Trải qua hơn 3 tháng hoạt động, dự án đã triển khai thành công các buổi họp chuyên đề, buổi tập huấn kỹ năng và hoạt động ngoại khóa cho 100 sinh viên (nghị sĩ trẻ) cũng như chuỗi tọa đàm chuyên sâu cùng với sự tham gia của các chuyên gia, công chúng và báo giới.
Đây là lần đầu dự án Mô phỏng nghị viện trẻ được thực hiện tại Việt Nam, ông Nguyễn Nhật Huy- Trưởng ban điều hành dự án chia sẻ: “Mục đích của dự án để nâng cao nhận thức, vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam trong quy trình hoạch định chính sách của đất nước. Đồng thời qua dự án này chúng tôi mong muốn mang đến một ít kỹ năng, kiến thức cũng như quy trình để thế hệ trẻ chia sẻ quan điểm, ý tưởng của mình để phát triển, thiết thực hơn”.
Sau khi trình bày chính sách của mình các đội sẽ phải đưa ra những phản biện để thuyết phục.
Mục tiêu hướng tới của nhóm dự án chính là một tổ chức có ảnh hưởng sâu rộng trong các bạn sinh viên ở các trường đại học, địa phương. Cố gắng tìm hiểu nhiều ý tưởng để đáp ứng được luật pháp và điều kiện của sinh viên Việt Nam.
Với mong muốn hiểu sâu hơn về những chính sách, cũng như cách hoạch định chính sách của nhà nước, bạn Phạm Minh Trang (sinh viên năm 2, Khoa tài chính doanh nghiệp, trường ĐH Kinh tế Quốc dân) thành viên trong nhóm Môi trường chia sẻ: “Em thấy mình học được rất nhiều điều ở chương trình Mô phỏng nghị viên trẻ này. Sau 3 tháng em tham gia các hoạt động, tìm hiểu các quy định trong hoạt động chính sách em hiểu được cái khó của người làm luật, những khó khăn và quá trình để ra được một chính sách đi vào thực hành”.
Toàn cảnh chương trình.
Bên cạnh đó Trang cũng chia sẻ thêm, trước đây chúng em nhìn những chính sách khi đã hoàn thiện, chưa chứng kiến được những khó khăn hay quy trình phản biện, thuyết trình cũng như đưa ra giải pháp để một chính sách được áp dụng vào thực tế. Ngoài ra, người làm chính sách phải có tầm nhìn chiến lược, phải biết khắc phục những rủi ro có thể xảy ra.
Trong dự thảo phiên họp nghị viện trẻ: có 8 nhóm và đến từ hơn 20 trường ĐH ở Hà Nội. 8 nhóm đó đại diện cho 8 Ủy ban: Kinh tế; Văn hóa; Môi trường; Y tế; Giáo dục; Đối ngoại; Khoa học và Công nghệ.
8 nhóm này sẽ trình tự đưa ra các đề xuất chính sách tại phiên họp Mô phỏng nghị viện trẻ đồng thời sẽ phải phản biện những câu hỏi cũng như thuyết phục sự ủng hộ của toàn thể nghị viện.