Tai buổi họp báo Công bố Pháp lệnh về trình tự áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án chiều nay 30/12, đại diện TANDTC đã giải đáp một số nội dung báo chí quan tâm.
Nói về điểm mới của Pháp lệnh về trình tự áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án (Pháp lệnh số 03/2022) so với Pháp lệnh số 09/2014 hiện hành, ông Nguyễn Chí Công, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TANDTC cho biết: Pháp lệnh số 03/2022 có một số điểm mới, đó là:
Bổ sung thẩm quyền Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là TAND cấp huyện nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm trong trường hợp người đề nghị là Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc công an cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2, Điều 99, khoản 2 Điều 101, khoản 1 Điều 100, khoản 1 Điều 102 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 3 của Pháp lệnh);
Quy định về chi phí, lệ phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (Điều 7 của Pháp lệnh); Bổ sung trường hợp được đình chỉ khi Người bị đề nghị mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên (khoản 1 Điều 16);
Pháp lệnh cũng quy định về phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thể được tổ chức theo hình thức trực tuyến (khoản 1 Điều 21 của Pháp lệnh); Quy định trình tự, thủ tục tranh luận tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, phiên họp xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án (điểm h khoản 3 Điều 21, điểm g khoản 3 Điều 35 của pháp lệnh);
Đồng thời, bổ sung biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng để thay thế cho biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định tại Điều 140a của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Mở rộng một số thời hạn giải quyết như bổ sung tài liệu; thời hại khiếu nại, kiến nghị kháng nghị; thời hạn khiếu nại sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (Điều 5; Điều 32; Điều 42), Quy định về thủ tục thân thiện khi giải quyết vụ việc đối với người chưa thành niên bị đề nghị đưa vào trường giáo dưỡng.
Về khoản 4, Điều 21 Pháp lệnh có quy định “Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn”, ông Nguyễn Chí Công cho hay, phòng họp thân thiện, an toàn đã được quy định tại Điều 6 của Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của TANDTC về Phòng xử án. Theo đó, khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà người bị đề nghị là người chưa thành niên, Tòa án sẽ tổ chức tại Phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên như: Phiên họp được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; Người dưới 18 tuổi được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; Bàn, ghế được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng.
Đáng chú ý, Điều 20 Pháp lệnh chỉ quy định trường hợp người đề nghị hoặc người được ủy quyền, Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án hoãn phiên họp. Còn người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị; cha mẹ hoặc người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Tòa án có thể hoãn phiên họp; nếu không có lý do chính đáng hoặc có yêu cầu xem xét vắng mặt, hoặc vắng mặt lần thứ hai thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp. Một số ý kiến băn khoăn, quy định như vậy có bảo đảm tính công bằng hay không?
Theo ông Nguyễn Chí Công, việc quy định như Điều 20 của Pháp lệnh là bảo đảm quyền và nghĩa vụ của những người tham gia, thực hiện đúng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính “bảo đảm nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng…”; nâng cao trách nhiệm của người tham gia phiên họp. Quy định này, phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính hiện hành. Bên cạnh đó, Pháp lệnh cũng quy định quyền được khiếu nại, kiến nghị của người bị đề nghị, đại diện hợp pháp của người bị đề nghị khi họ vắng mặt tại phiên họp.
Điểm mới nữa của Pháp lệnh số 03 mà cơ quan báo chí đề cập đến là quy định về trình tự, thủ tục tranh luận tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Vậy thủ tục này được quy định trong Pháp lệnh như thế nào?
Theo ông Nguyễn Chí Công cho biết, điểm h khoản 3 Điều 21, điểm g khoản 3 Điều 35 của Pháp lệnh thì người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có); cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị tranh luận các vấn đề có liên quan với người đề nghị hoặc người được ủy quyền.
Việc tranh luận được tiến hành theo sự điều hành của Thẩm phán. Người tham gia tranh luận có quyền đối đáp lại ý kiến của người khác. Thẩm phán tiến hành phiên họp không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho họ tranh luận, trình bày hết ý kiến; có quyền yêu cầu dừng những ý kiến không liên quan đến vụ việc hoặc ý kiến lặp lại.
Như vậy, tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính Thẩm phán sẽ là người điều hành tranh luận, và thứ tự từng người tranh luận nhằm bảo đảm phiên họp được diễn ra thuận lợi, phù hợp từng vụ việc nhất định.
Pháp lệnh cũng không quy định thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vì bản chất đây là xử lý vi phạm hành chính, được thực hiện qua cơ chế tư pháp tại Tòa án vì liên quan đến quyền con người. Do đó, việc quy định thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm không phù hợp, không bảo đảm nhanh chóng, kịp thời.
Bên cạnh đó, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính rất ngắn (đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc là 06 tháng hoặc 01 năm). Đồng thời qua tổng kết thực tiễn thi hành Pháp lệnh số 09 thấy rằng các TAND thực hiện rất tốt và không phát sinh vướng mắc. Vì vậy, Pháp lệnh số 03 tiếp tục kế thừa quy định của pháp lệnh số 09 không quy định nội dung này, ông Nguyễn Chí Công cho hay.