Điểm lịch sử thấp là vấn đề của thời đại... Việc có hàng ngàn điểm 0 trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ vừa qua là vấn đề bình thường” - đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận khi trả lời các phóng viên về những vấn đề liên quan đến việc dạy và học môn lịch sử.
Ông có cho rằng có hàng ngàn điểm 0 trong kỳ thi ĐH vừa qua là thảm họa trong việc giáo dục môn học lịch sử?
- Tôi nghĩ là bình thường, vì thi đại học là cuộc thi tuyển nên đề thi có sự phân loại để rõ ra người giỏi, người khá, người yếu kém nên điểm kém là chuyện bình thường. Cũng không nên nói điểm kém như vậy là thảm họa của việc giáo dục môn học lịch sử, mà cần phải bình tĩnh nhìn nhận đầy đủ toàn diện vấn đề. Bây giờ hô hào các cháu phải học ngoại ngữ, học tin học..., học nhiều thứ như vậy sẽ có những môn như lịch sử và cả văn học sẽ bị xem nhẹ hơn chút thì cũng đừng coi đó là thảm họa. Báo chí không nên quy chụp một chiều.
Hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi đại học năm 2011, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận: "Tôi nghĩ là bình thường"
Đây không phải là sự quy chụp của các cơ quan báo chí, mà thực tế cho thấy kết quả môn lịch sử trong kỳ thi đại học vừa rồi quá thấp, vì vậy xã hội đặt câu hỏi chứ không phải báo chí?
- Điểm lịch sử thấp là vấn đề của thời đại. Các bạn hãy nhìn rộng ra nhiều nước, như nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới này, không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng ấy. Khi mà khoa học lịch sử, tiếng nói của nó trong cuộc sống hiện đại hôm nay ít, khi mà cơ hội tìm việc làm của những người giỏi sử ít.
Thử hỏi tin học có gì hấp dẫn không? Không có gì cả. Nhưng nếu không có nó thì người ta không thể sống trong xã hội hiện đại, người ta phải học và khi học nó người ta tìm thấy cơ hội có thu nhập cao, cuộc sống ổn thỏa thì sẽ thấy hay. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động.
Lý giải môn lịch sử không được quan tâm là do xu thế thời đại. Nhưng có thể thấy, người Việt tiếp xúc với những "Tam quốc diễn nghĩa", "Đông chu liệt quốc"..., thuộc sử Tàu nhiều hơn sử Việt. Ông có suy nghĩ gì?
- Tôi đồng ý với nhận xét ấy, nhưng chuyện đó không phải của giáo dục. Đấy là vấn đề của xã hội. Lịch sử Tàu không phải là do chúng tôi dạy sử Trung Quốc mà do xem phim Trung Quốc, đọc truyện Trung Quốc chứ không phải học sinh Việt Nam đi học sử Trung Quốc rồi yêu lịch sử Trung Quốc. Đừng nhầm lẫn. Đó không phải do học, dạy sử Trung Quốc.
Ông nói thế nào về ý kiến cho rằng nguyên nhân việc này chủ yếu do vấn đề dạy và học?
- Đấy là một ý kiến và có khía cạnh đúng của nó, nhưng nếu đổ hết tất cả cho việc này thì lại là chuyện khác. Việc dạy lịch sử hiện nay chưa hấp dẫn ở chỗ chỉ nêu ra đánh trận này diệt bao nhiêu giặc, đánh trận kia thu bao nhiêu vũ khí là không nên và cần phải thay đổi. Tôi thì nghĩ việc dạy lịch sử là để hiểu biết truyền thống, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm. Cố gắng hướng tới mục đích ấy chứ còn hướng tới việc yêu cầu học sinh nhớ thì nay nhớ xong mai lại quên thì không nên. Báo chí và các thầy cô nói về việc này là đúng. Nhưng đổ hết việc ấy cho vấn đề dạy học thì không đúng.
Vậy hướng thay đổi sẽ như thế nào?
- Thay đổi như thế nào thì phải bàn. Trong hướng tìm tòi thay đổi toàn diện thì có cả thay đổi mục tiêu, chương trình, nội dung phương pháp dạy và học. Tôi đã trao đổi với bên Viện Lịch sử để phối hợp.
Cách đây 3 năm đã có hội nghị lớn của các nhà sử học phối hợp với Bộ GDĐT để nhằm cải thiện tình hình dạy học lịch sử. Sau 3 năm việc này đã triển khai đến đâu?
- Tôi không có thông tin về việc ấy vì khi đó tôi chưa làm bộ trưởng và chưa được phân phụ trách mảng việc ấy, nhưng tôi nghĩ cách đây 3 năm đã phối hợp thì không có nghĩa bây giờ không phối hợp nữa, mà phải phối hợp chặt hơn. Thay đổi sách giáo khoa thì chưa thay đổi được ngay đâu, phải có quy trình của nó. Nếu thay đổi xoành xoạch như thế thì thành ra tùy tiện.
- Xin cảm ơn ông!
Châu Anh