Điểm lại những hiện tượng thiên văn hiếm có năm 2015

Hoàng Hà| 30/12/2015 08:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong năm 2015, người dân trên toàn thế giới đã được chiêm ngưỡng hàng loạt hiện tượng thiên văn kỳ thú.

1. Trăng máu

Vào ngày 4/4/2015, hiện tượng nguyệt thực toàn phần hay "mặt trăng máu" đã diễn ra.

Hiện tượng "Trăng máu" là hiện tượng nguyệt thực toàn phần, xảy ra khi Trái Đất nằm giữa Mặt Trời và Mặt Trăng và cả ba cùng nằm trên cùng một đường thẳng với nhau.

Điểm lại những hiện tượng thiên văn hiếm có năm 2015

Hiện tượng "siêu trăng máu" cực hiếm xảy ra rạng sáng 28/9/2015

Khi mặt trăng bị bóng tối của trái đất che khuất hoàn toàn thì xảy ra hiện tượng nguyệt thực toàn phần, lúc này mặt trăng sẽ dần chuyển sang màu đỏ nên người ta hay gọi là hiện tượng “trăng máu”. Các nhà khoa học cho biết màu đỏ xuất hiện chính là do sự khúc xạ ánh sáng, nó tương tự như màu hồng khi mặt trời mọc lúc bình minh và lặn lúc hoàng hôn.

Theo giới nghiên cứu, đây sẽ là lần mặt trăng máu ngắn nhất trong thế kỷ XXI khi nguyệt thực chỉ đạt đỉnh trong vỏn vẹn 4 phút 43 giây.

Tuy nhiên, hiện tượng "siêu trăng máu" cực hiếm xảy ra rạng sáng 28/9/2015 mới là sự kiện mà nhiều người trên trái đất chờ đợi chiêm ngưỡng. Đây là lúc trăng tròn nhất trong năm, mặt trăng đi qua vùng bóng của Trái Đất tạo ra nguyệt thực toàn phần.

Thật đặc biệt khi hiện tượng thiên văn cực hiếm "siêu trăng máu" xuất hiện trùng với ngày rằm Trung thu tại Việt Nam.

Theo các nhà khoa học NASA, hiện thực "siêu Trăng máu" lần này vô cùng đặc biệt bởi lần gần nhất thế giới được chứng kiến siêu trăng và nguyệt thực toàn phần diễn ra cùng một lúc là vào năm 1982. Dự đoán, sau sự kiện năm nay, phải đến năm 2033, chúng ta mới có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng này lần nữa.

2. Mưa sao băng

Năm nay, những người yêu thiên văn trên thế giới đã được chiêm ngưỡng 4 cơn mưa sao băng.

Vào tháng 8/2015, hiện tượng mưa sao băng Perseus diễn ra trong khoảng từ ngày 17/7 tới 24/8 với cực điểm vào rạng sáng 12, 13/8. Đây là một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất trong năm 2015.

Tiếp đến là cơn mưa sao băng Draconids diễn ra vào tháng 10 hàng năm, năm nay là khoảng 19h - 24h tối ngày 8/10/2015. Mưa sao băng lần này xảy ra gần trùng với thời điểm trăng non (13/10), tạo điều kiện để người xem có thể quan sát dễ dàng.

Điểm lại những hiện tượng thiên văn hiếm có năm 2015

Geminids được coi là “vua của những trận mưa sao băng”

Tháng 11/2015, mưa sao băng Leonids có định kỳ hàng năm, thường diễn ra vào tháng 11 và có cực điểm vào khoảng ngày 16 đến 18/11. Năm nay, người yêu thiên văn được chiêm ngưỡng trận mưa sao băng với cường độ khoảng 20 vệt sáng/giờ.

Đáng kể nhất là trận mưa sao băng Geminids (hay còn gọi là Song Tử) đẹp nhất năm diễn ra trong nhiều ngày liên tiếp (đêm 12 - 14/12).
Geminids được coi là “vua của những trận mưa sao băng”, là trận mưa sao băng lớn nhất, rực rỡ nhất năm 2015, với tần suất cực điểm lên đến 100 - 120 vệt/giờ.

Mưa sao băng Geminids có nguồn gốc là những hạt bụi (vẫn thạch) tàn dư của thiên thể 3200 Phaethon - được cho chính là phần nhân của một sao chổi nào đó và bị gió mặt trời thổi hết lớp đá băng bên ngoài.

Những vẫn thạch nói trên lao vào Trái đất với vận tốc lên tới 30 - 50km/giây. Với vận tốc này, vẫn thạch nén không khí xung quanh, khiến nhiệt độ có thể tăng lên hàng nghìn độ. Khi đó, vẫn thạch sẽ bốc cháy ở độ cao từ 50 - 100km so với Trái đất, tạo thành vệt sáng trên bầu trời.

Thông thường, mưa sao băng Geminids rất sáng, lại rơi vào ngày không trăng nên rất dễ để quan sát. Chúng có thể được thấy từ khi hoàng hôn nhưng chỉ thật sự đẹp và đạt đỉnh vào khoảng 1 - 2 giờ sáng giờ địa phương ở độ cao trên 100km so với mặt đất.

Tại Việt Nam, các bạn trẻ hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kì thú này với điều kiện không bị mây mù, bụi bặm che khuất.

3. Ba ngôi sao xếp thẳng hàng

Vào cuối tháng 10/2015 đã xảy ra hiện tượng sao Kim, sao Mộc và sao Hỏa xếp thành đường thẳng trên bầu trời. Theo các nhà thiên văn học hiện tượng “tam tinh tụ hội” là kết quả do thời gian quay quanh Mặt Trời của các hành tinh.

Điểm lại những hiện tượng thiên văn hiếm có năm 2015

Hiện tượng “tam tinh tụ hội”

Hiện tượng này có thể nhìn thấy rõ nhất trước lúc Mặt Trời mọc, khi các hành tinh ở vị trí cao trên bầu trời và nền trời đủ tối để trông thấy chúng. Hiện tượng này kéo dài từ 26 - 29/10/2015 và lần lặp lại tiếp theo là vào tháng 1/2021.

Theo các nhà khoa học, địa điểm tốt nhất để quan sát hiện tượng 3 ngôi sao thẳng hàng là công viên Galloway Forest, Scotland.

4. Trăng lạnh Giáng sinh

Vào ngày lễ Giáng sinh năm nay, đã có hiện tượng thiên văn thú vị trăng tròn tháng 12 hay còn gọi "Trăng lạnh". Sở dĩ gọi Là "Trăng lạnh" vì hiện tượng này xảy ra vào tháng lạnh nhất năm nay.

Điểm lại những hiện tượng thiên văn hiếm có năm 2015

Hiện tượng "Trăng lạnh" diễn ra vào đúng ngày lễ Giáng sinh năm nay

Phát ngôn viên của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, hiện tượng này xảy ra khi mặt trăng ở điểm xa nhất trên quỹ đạo quanh trái đất. Lần gần nhất xảy ra sự trùng hợp này là vào năm 1977 và sau năm 2015 thì mãi đến năm 2034 hiện tượng này mới lại xảy ra lần nữa, đây chính là lần đầu tiên sự kiện xảy ra trong thế kỷ 21.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm lại những hiện tượng thiên văn hiếm có năm 2015