UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất chỉ giải tỏa để làm đường. Thế nhưng, đến năm 2018, đất vẫn do dân sử dụng, mà UBND TP Phan Thiết lại cưỡng chế, thu hồi để giao cho Công ty Địa ốc V.S.G đã trúng đấu giá từ năm 2006... với giá rẻ mạt.
Dự án Khu dân cư Hùng Vương làm lợi cho ai?
Ngày 26/12/2018, Báo Công lý đã có đăng bài phản ánh "Bình Thuận: Chưa có quyết định thu hồi đất của dân đã đem bán cho doanh nghiệp" có nêu rõ về những bức xúc của người dân và những quyết định vô lý của Thành phố Phan Thiết tại dự án Khu dân cư Hùng Vương 2.
Theo đó, dự án trên được quy hoạch tổng thể từ năm 2004, đến nằm 2006, UBND tỉnh đã giao cho Công ty địa ốc VSG, nhưng thực tế đất người dân vẫn ở và quản lí, sử dụng cho đến nay. Ngày 29/11/2010, UBND tỉnh có Quyết định số 5698/UBND-ĐTQH điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2 của dự án khu dân cư này, thì chỉ giải tỏa để làm đường, người dân hoàn toàn động tình ủng hộ.
Tuy nhiên, UBND TP Phan Thiết lại bất chấp cả quyết định điều chỉnh quy hoạch của cấp có thẩm quyền là UBND tỉnh Bình Thuận, thu hồi phần đất còn lại của dân đang ở, giao cho Cty VSG, gây phẫn nộ và bức xúc cho người dân. "Nếu chính quyền lấy đất làm đường, chúng tôi giao ngay, nhưng giờ họ đòi mà chúng tôi đang ở, lại không thương lượng, đền bù là không thể chấp nhận được" nhiều người dân chia sẻ.
Dự án KDC Hùng Vương 2 hiện người dân đang ở nhưng V.S.G đã phân lô bán nhiều khu vực
Theo người dân, sự việc trên có khả năng là lợi ích nhóm. Ngày 24/3/2005, UBND TP Phan Thiết ban hành một loạt quyết định thu hồi của các hộ dân. Tuy nhiên từ 2014 đến năm 2016, các quyết định thu hồi mới được giao cho người có đất là sao? "Chúng tôi không đồng tình với các quyết định thu hồi, mà TP Phan Thiết đòi cưỡng chế lấy đất để giao cho Công ty VSG là vi phạm pháp luật", một hộ dân bức xúc nói. Tỉnh Bình Thuận chưa có thỏa thuận với dân mà đã tiến hành thu hồi. Các hộ dân cho rằng đất của họ là đất ở mà chưa bị thu hồi, vậy mà UBND tỉnh đã giao cho Công ty CP Địa ốc V.S.G 83.880,8m2, theo Quyết định số 3264/QĐ-UBND ngày 18/12/2006, để họ phân lô bán nền. Như vậy, liệu chính quyền tỉnh có thượng tôn luật pháp, coi thường dân chủ và không tôn trọng nhân dân?
Trong đơn kêu cứu, người dân cho biết dự án này không được công khai quy hoạch sử dụng đất, không công bố bản đồ quy hoạch, là có dấu hiệu vi phạm Điều 28 Luật Đất đai năm 2003. Việc “không công khai” là bưng bít thông tin, để người có đất trong vùng dự án không biết, không có căn cứ mà khiếu kiện?
Theo các hộ dân thì chính quyền tạo điều kiện cho Công ty V.S.G hưởng nhiều quyền lợi nhất trong dự án trên, còn người dân và chính quyền địa phương thì bị thiệt hại lớn?
V.S.G được hưởng quá nhiều "ưu ái"?
Theo tìm hiểu, Công ty V.S.G thành lập từ năm 2004, tại TP HCM và 2 năm sau đã trúng đấu giá một dự án "khủng" tại tỉnh Bình Thuận đó là dự án KDC Hùng Vương 2. Lúc đó, tỉnh Bình Thuận giải thích là chỉ có một mình V.S.G tham gia đấu giá? Sau đó, Công ty này đã phân lô bán nền trên giấy, nhưng đến giờ vẫn chưa đóng hết tiền sử dụng đất. Năm 2018, V.S.G vẫn được ưu ái đóng với giá trúng thầu từ năm 2006.
Trên thực tế Dự án Khu dân cư Hùng Vương không phải là sự ưu ái duy nhất của tỉnh Bình Thuận và TP Phan Thiết "ưu ái" dành cho V.S.G.
Ngày 26/7/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Huỳnh Tấn Thành có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ Cảng cá La Gi theo hình thức BOT trong nước, do Công ty Cổ phần Địa ốc V.S.G làm chủ đầu tư, với số tiền hơn 22 tỷ đồng. Dự án sử dụng 68.753 m2 đất để xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và 4.245 m2 đất ở, kinh doanh; diện tích mặt bằng cho thuê gần 33.400 m2. Thời gian khai thác hoàn vốn, chuyển giao công trình là 31 năm 1 tháng, tính từ ngày 1/9/2007.
Trước đây, Sở Thủy sản (nay là Sở NN-PTNT Bình Thuận) từng có văn bản đề nghị ghi rõ tên dự án BOT nói trên là hạng mục dịch vụ mặt bằng cảng cá La Gi. Trong đó, có những hạng mục Nhà nước đã bỏ 2/3 vốn ngân sách ra đầu tư, nhưng không được khai thác, quản lý, phân chia nguồn thu từ các hoạt động của cảng cá, mà tỉnh Bình Thuận lại “biếu” toàn bộ công trình này cho tư nhân.
Cảng cá La Gi lúc nào cũng tấp nập
Sau khi khai thác cảng cá La Gi, Công ty địa ốc VSG cho Công ty Seongjin Vina Hàn Quốc thuê khoảng 6.000 m2 đất trong số 33.400 m2 và V.S.G thu hơn 19 tỷ đồng, gần bằng số vốn đầu tư. Vậy là số tiền Nhà nước đầu tư 2/3 vào cảng cá đã không cánh mà bay. V.S.G được hưởng toàn bộ phần thu từ việc cho thuê mặt bằng cảng cá 33.400 m2, và tiền chuyển nhượng quyền sử dụng 4.245 m2 đất để hoàn vốn. Khu đất này có vị trí đẹp, nằm ở mặt tiền đường Bến Chương Dương, được V.S.G phân 70 lô để bán với giá chuyển nhượng 8 triệu đồng một m2 (thời điểm năm 2008).
Rõ ràng, V.S.G đã hưởng lợi rất nhiều tỷ từ dự án này, còn ngân sách Nhà nước lại thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Người dân thị xã La Gi rất bất bình, không hiểu vì sao Công ty V.S.G lại được UBND tỉnh Bình Thuận đặc biệt ưu ái đến bất thường như vậy. Tỉnh đã “dâng” một công trình đầu tư đến hơn 70% số vốn để doanh nghiệp này hưởng lợi suốt 31 năm, còn “biếu” luôn hàng ngàn m2 đất.
Vậy thì, lý do nào mà Công ty địa ốc V.S.G lại có khả năng tung hoành cả tỉnh Bình Thuận như vậy? Trong khi tình hình tài chính yếu, bị thua lỗ liên tiếp mà Bình Thuận lại giao toàn bộ tài sản Nhà nước ở khu vực cảng cá La Gi mà Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho V.S.G khai thác? Và bây giờ là dự án Khu dân cư Hùng Vương 2 trúng thầu từ năm 2006, nhưng đến năm 2018 mới phải đóng tiền, làm cho dân bức xúc.
Thời điểm này chúng tôi đang tiếp tục liên hệ với Công ty Cổ phần Địa ốc V.S.G tại quận 2, TP HCM để tìm hiểu rõ hơn về phản ánh của người dân nhằm thông tin, phản ánh cho bạn đọc được rõ.