Thiệt hại do thiên tai vẫn có thể giảm bớt nếu co người biết chủ động ứng phó. Việc này không mới. Tuy nhiên, những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đã được nói rất nhiều nhưng xem ra vẫn chưa đủ “đô”.
Hẳn vì vậy mà PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu kiêm Trưởng khoa Quản lý tài nguyên nước của ĐH Cần Thơ, đã phát biểu trên báo chí rằng về đối phó với biến đổi khí hậu thì chính quyền nhiều nơi còn rất bị động, thiếu cán bộ am hiểu chuyên môn, đủ năng lực tham mưu và thiếu tài chính để nghiên cứu, làm việc.
Soi vào trận đại hồng thủy ở Quảng Ninh càng thấy rõ điều này.
Mực nước dâng cao khiến chợ trung tâm Ba Chẽ bị nhấn chìm hoàn toàn tầng 1
Ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho rằng một trong những nguyên nhân khiến nhiều người thiệt mạng trong trận mưa lũ lịch sử vừa qua tại Quảng Ninh là do “dân chủ quan, chính quyền không quyết liệt”. Hóa ra ông Chủ tịch đã nhấn mạnh lý do “dân chủ quan” trước lý do “chính quyền thiếu quyết liệt”. Thật đúng như quy luật của thời nay là hễ xảy ra thiên tai gây thiệt hại thì các quan chức luôn tìm cách lý giải đó là do dân chủ quan trước diễn biến bất thường của thời tiết. Ở Hà Nôi từng có quan chức phát biểu rằng dân ỷ lại quen rồi nên không ứng phó được với mưa to gió lớn.
Trận đại hồng thủy 40 năm mới xảy ra tại Quảng Ninh được liệt kê là do tác động của thủy triều, hay do nguyên nhân mà bất cứ địa phương nào bị ngập lụt cũng đều kể đến là hệ thống thoát nước không thoát kịp. Trong cuộc họp báo sáng 30/7, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cho rằng cơ quan khí tượng thủy văn không dự báo cụ thể nơi nào mưa nhiều, nơi nào mưa ít khiến chính quyền khó nắm bắt.
Thế là rõ, số người tử nạn vì mưa lũ nhiều bất thường, nguyên nhân chủ quan đã có địa chỉ cụ thể: do dân là chủ quan, còn các nguyên nhân khác đều là khách quan. Điều quan trọng nhất trong lỗi chủ quan đã luân chuyển từ chính quyền yếu kém sang dân chủ quan.
Nhưng người am hiểu về Quảng Ninh đều thấy có thiệt hại về người và của rất lớn là do các bãi thải xỉ than tràn xuống vùi lấp khu dân cư. Đây là những quả núi nhân tạo khổng lồ trên đầu các khu dân cư gây chết người, mất của đã bị “né” khi phân tích nguyên nhân. Trong các kỳ tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh, thành phố, cử tri đã từng đề xuất kiến nghị được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm của bãi thải nhưng không được đáp ứng. Có thể có khó khăn về nguồn lực tài chính của địa phương nhưng sao không cùng các doanh nghiệp ngành than xử lý? Dân không chủ quan nhưng nghèo, lấy đâu ra tiền mua đất làm nhà mới để tái định cư?
Quảng Ninh là vùng than lớn nhất đất nước. Thế nhưng nếu quản lý tốt việc khai thác, xả thải và thực hiện chặt chẽ việc hoàn nguyên hậu khai thác thì sẽ không có những núi đất đá thải trên đầu khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng người dân vào mỗi mùa mưa bão. Việc này không mới mà tồn đọng hết ngày dài lại đêm thâu qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo. Có lẽ trong lần khắc phục hậu quả này, té nước theo mưa, Quảng Ninh nên nghĩ luôn đến việc xử lý các bãi thải chết người này hoặc nếu chưa kịp thì lo luôn khu tái định cư cho dân ở các khu vực nguy hiểm. Đừng đổ lỗi cho dân mà hãy lo ngay cho dân. Đó chính là đạo làm lãnh đạo thời nay!