Càng gần Tết Nguyên đán, các khu chợ đường biên càng trở nên tấp nập. Bên cạnh các loại hàng hóa thông thường, thì thị trường buôn bán hàng cấm cũng nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Rao công khai, bán kín đáo
Nằm ngay Cửa khẩu Tân Thanh là một khu thương mại mua bán rất nhộn nhịp với tên đầy đủ là Khu kinh tế Cửa khẩu Tân Thanh, cách thành phố Lạng Sơn chừng 30 km. Tân Thanh có đủ thứ thượng vàng hạ cám xuất xứ từ Trung Quốc. Mỗi ngày, không ít các lượt xe du lịch, xe khách, xe gắn máy đổ về Tân Thanh chủ yếu để mua hàng điện tử, đồ dùng gia đình vì giá khá mềm. Tuy nhiên, bề nổi của Tân Thanh là thế, nhưng đằng sau nó là cả một thế giới chìm với đủ thứ "hàng đen, hàng nóng" đang hoạt động náo nhiệt cả ngày lẫn đêm.
Hàng nóng ở chợ Hà Khẩu
Dạo qua các cửa hàng mua bán ở đây thấy rất lặng lẽ. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều chủ hàng tụm năm, tụm bảy ngồi đánh bài có vẻ không quan tâm đến sự xuất hiện của khách. Nhưng chỉ cần bước vài bước chân xuống khu "chợ trời" là thấy khác hẳn. Náo nhiệt vô cùng. Nhiều thanh niên xuống tận lòng đường chào mời khách: "Mua hàng độc không? Thuốc (thuốc lắc, thuốc kích dục - PV), dao, kiếm, dùi cui, súng, lựu đạn, bình xịt hơi cay không anh?". Không chỉ rao mà số thanh niên này còn lẽo đẽo đeo bám, chèo kéo khách hàng. Khi có khách đặt mua, các thanh niên này dẫn ngược về các quầy vắng vẻ phía trên, ngụy trang bằng những quầy bán hàng điện tử gia dụng. Một tay “thổ địa” có tên tuổi ở đây cho biết, số thanh niên bán dạo này là "đại lý" được trả lương đàng hoàng chỉ để đi kéo khách vãng lai đem về cho chủ. Chủ là những người đứng thuê quầy bán hàng ở quanh khu vực chợ Tân Thanh.
"Rao công khai, bán kín đáo" là phương thức bán "hàng nóng" tại đây. Chỉ thỉnh thoảng chen lẫn vào các mặt hàng bằng sắt, thép là những cây dao lê được bao bọc bên ngoài bằng một vỏ giấy với giá 120 - 140 ngàn đồng/cây dài chừng nửa mét. Dân bán hàng ở đây gọi chúng là dao bổ dưa nhưng loại dao này thường xuất hiện trong các vụ án hình sự với tên gọi "tang vật gây án".
Vẫy một thanh niên lại hỏi mua hàng "nóng", chúng tôi được dẫn đến một quầy hàng bán đồ điện tử, điện gia dụng. Anh ta len vào phía sau quầy, vừa lôi "hàng" ra vừa nói: "Kiếm Nhật củ hai (1,2 triệu đồng), dùi cui một củ rưỡi (1,5 triệu đồng), súng tích điện ba củ (3 triệu đồng). Muốn mua gì?". Thấy chúng tôi nghi ngờ kiếm Nhật không phải là hàng thật, ông chủ bán hàng ngồi đánh bài phía trước liền quay lại rút ngay cây kiếm chém một nhát ngọt lịm, đứt đôi thanh gỗ to bằng bắp tay. Không chỉ thử kiếm để chúng tôi rửa mắt, tiếp đó, ông còn lấy dùi cui bấm nút để điện chạy lẹt xẹt phát ra những tia lửa điện xanh lè.
Cách chợ Tân Thanh không xa là cửa khẩu Tân Thanh, điểm giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chỉ còn trăm mét nữa là qua đến đất Trung Quốc. Mỗi ngày có hàng ngàn lượt người qua lại cửa khẩu này để mua bán tiểu ngạch và để đai vác hàng thuê cho các chủ hàng rồi tập kết hàng ở chợ Tân Thanh. Hàng ở chợ Tân Thanh chủ yếu là hàng do các cửu vạn đai vác về từ Trung Quốc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cửu vạn nào ở đây cũng có sổ thông hành và tùy mặt hàng mà cửu vạn quyết định “đi thẳng” (đi qua cửa khẩu bằng giấy thông hành) hay "đi chui" qua hang Dơi, dốc Quýt... Một cửu vạn tâm sự, một chuyến hàng đi về trong ngày, cửu vạn có thể kiếm được vài trăm ngàn đến một triệu đồng nếu trót lọt. Nếu xui bị bắt thì bị mất hàng và bị phạt hành chính. Nhưng nỗi lo lớn nhất của các cửu vạn ở đây là sợ các cơ quan chức năng bên nước bạn "hỏi thăm". Cửu vạn tên L. kể: “Bị bên đó (Trung Quốc) tóm là khổ đời. Em có thằng bạn đi chui qua bển lấy hàng. Thấy có đá gà ngồi lại xem. Ai ngờ bị dính. Tiền bạc bị "lột" sạch. Chưa hết đâu, còn bị bắt làm lao động công ích, đi dọn vệ sinh. Chỉ đến khi gặp người quen thông báo đem tiền qua chuộc mới được về". Chúng tôi đặt vấn đề được tham quan một chuyến "cửu vạn", L. khoát tay: "Không được đâu, người lạ không biết đường, bị động là dính ngay, Trung Quốc mà bắt là chết!". Tuy sợ là thế nhưng L. cũng cho biết không thể bỏ nghề vì nghỉ ở nhà là đói, đi riết rồi cũng quen đường sá, thấy động thì cố chạy lẩn trốn vào những con đường mòn quen thuộc.
Thời gian gần đây, các ban ngành quản lý chặt chẽ hàng hóa mua bán từ chợ Tân Thanh nên khách hàng đổ về đây mua cũng ít dần vì ngại bị kiểm tra trên đường về Hà Nội. Thay vào đó, khi có nhu cầu, chỉ cần liên lạc qua điện thoại là hàng được xe chở đến tận nơi giao, kể cả hàng "nóng", hàng "đen", hình thành nên những đường dây làm ăn chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, các chủ cửa hàng ở đây cũng tích cực sưu tầm những thứ hàng "hiếm" mà nhu cầu của người sử dụng trong nước cao như những thứ hàng "nóng" mà chúng tôi đề cập ở trên và cửu vạn cũng có việc làm nhiều hơn. "Săn" được hàng độc thì giá cả cao hơn. Mặt hàng nào bán chạy thì "gom", lúc nào hàng dội chợ thì nghỉ vài ngày rồi chuyển sang đai vác hàng khác...
Chuyển hàng theo yêu cầu của khách
Cũng nằm ở đường biên, cũng là khu giao thương của hai quốc gia nhưng chợ Hà Khẩu (Trung Quốc) lại mang một dáng dấp khác, bình lặng hơn. Nhưng, đằng sau cái vẻ bình lặng ấy là cả một thế giới bán mua mà có soi rọi vào mới biết.
Hàng độc như súng cũng được rao bán bên Hà Khẩu
Nằm giữa khu thương mại Hà Khẩu là một tòa nhà 3 tầng đồ sộ, mỗi tầng rộng chừng 1.000m2. Khu này được người dân vùng biên đặt tên là chợ "dao, kiếm". Điều đó được thể hiện ngay từ tầng trệt. Những gian hàng nối tiếp nhau, bày bán toàn là "hàng" cho các tay anh chị. Đủ loại mã tấu, kiếm, búa rìu được "phơi" công khai chứ không lén lút như ở Tân Thanh. Trong ngoài các gian hàng, những lưỡi dao sắc treo lủng lẳng với một màu trắng toát lạnh lùng khiến người xem đôi khi phải chùn tay khi chạm phải. Nhưng đó mới chỉ là đồ trưng bày, hàng "kiểng" dạng có nhiều hoa văn để treo trang trí trong nhà (mà lúc cần có thể trở thành... hung khí). Còn "hàng" dành cho dân chơi chuyên nghiệp được cất trong kho, khi có khách hỏi chủ cửa hàng mới lấy đem ra.
Một thanh niên bán hàng ở đây cho biết, khu chợ này của người Việt thuê buôn bán là chính. Một người ăn nên làm ra kéo thêm họ hàng qua phụ việc. Khách hàng chủ yếu cũng là người Việt, và đông đúc nhất lại là dân Hải Phòng, Quảng Ninh, Sài Gòn qua đây. Chúng tôi thử tiếp xúc với một chủ cửa hàng ở đây hỏi mua hàng "thật", cô bán hàng xinh xẻo lôi ra hàng loạt thứ từ dao lê, mã tấu, dùi cui đến cả súng điện tiếp thị ngay tại chỗ. Thấy chúng tôi do dự sợ không đem qua được cửa khẩu, cô trấn an: "Về Lào Cai vô tư luôn! Cho địa chỉ khách sạn đi, em sẽ cho người giao tận nơi. Lấy tiền sau".
Chúng tôi đặt vấn đề chuyển hàng vào Sài Gòn, cô bán hàng này quả quyết: "Chuyện nhỏ! Tuần này em đã gửi vào trong ấy 6 chuyến hàng rồi đấy. Cứ đặt tiền cọc làm tin, 8 đến 10 ngày sau hàng vào đến nơi thì giao nốt". Để thuyết phục, cô tiết lộ: “Tụi em đóng thùng gửi kèm theo mấy xe trái cây, qua cái một hà. Nếu không tin cứ cho địa chỉ, giao hàng đến nơi nhận tiền một thể”. Tiếp đó, cô chỉ vào tủ kính trưng các hộp thuốc trên đó vẽ hình ảnh tươi mát của các cô gái nói: “Mua thuốc kích thích đi, nam nữ đều có. Mua hàng này không ai bắt, đem về vô tư. Trong đó dùng cực nhiều luôn”.
Loại hàng được tiêu thụ mạnh nhất là bình xịt hơi cay. Bình xịt nhỏ, giống như bình xịt khử mùi cho giày dép, với giá 500 -700 ngàn đồng/bình, nhưng nếu ngửi phải cũng ngất như chơi. Một loại hàng khác cũng được xếp vào loại "hot" là dùi cui điện. Dùi cui cũng có nhiều loại. Dùi cui 3 khấc, đứng xa nửa thước vẫn có tác dụng. Một loại khác cũng được mua bán nhiều là dùi cui có luôn cả bình xịt hơi cay. Giá của các loại này được chào bán từ 1 đến 3 triệu đồng/cây, tùy chủng loại. Đáng sợ nhất là súng điện. Thoạt trông như một khẩu súng ngắn có 3 viên đạn chứa trong một cái hộp nhỏ như hộp diêm. Theo quảng cáo, chúng bắn xa được chừng 6 mét. "Trúng một phát là ngất luôn", người bán hàng tiếp thị, "chỉ 5 triệu thôi, rẻ bèo!".
Ngày nay, phương tiện đi lại dễ dàng. Từ Hà Nội chỉ cần leo lên một chuyến tàu ngủ một đêm, thức dậy là đã đến TP Lào Cai, thêm vài bước chân là qua được Trung Quốc. Vì vậy, lượng khách đổ về Hà Khẩu ngày càng nhiều. Vào những ngày cao điểm có đến hàng nghìn người qua cửa khẩu Lào Cai để đến Hà Khẩu "shopping". Và, không ai thống kê được bao nhiêu người trong số đó đã đặt chân đến ngôi chợ này để giao dịch, mua bán hàng "nóng". Chỉ biết rằng các chủ hàng ngày càng "phất" lên, còn hàng "nóng" bằng nhiều ngả đường đang từng ngày chảy qua biên giới vào Việt Nam. Số hung khí nguy hiểm này được sử dụng để tự vệ hay gây án thì vẫn là dấu hỏi.
Gia Nguyễn