Sáng 07/06, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2014 (lần 2) để thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014 cũng như kết quả năm 2013.
* PVX: Sẽ lỗ 400 tỷ hoặc hơn 1,000 tỷ trong năm 2014?
* PVX tổ chức Đại hội thường niên 2014 bất thành
Sau khi tổ chức ĐHĐCĐ lần 1 bất thành, Đại hội lần này có sự tham dự của 50 cổ đông, đại diện 61.6% tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết.
ĐHĐCĐ thường niên 2014 (lần 2) của PVX |
6 tháng, 3 nhiệm vụ
Tại Đại hội, ông Bùi Ngọc Thắng – Chủ tịch HĐQT PVX cho biết nhiệm vụ và kế hoạch của Công ty trong năm 2014 dựa vào rất lớn nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, HĐQT PVX thống nhất tập trung 3 vấn đề trọng tâm như sau:
Thứ nhất, PVX sẽ tiếp tục làm rõ, xử lý các tồn tại trước đây, các nguyên nhân thua lỗ của công ty, bao gồm cả hồ sơ quyết toán, công nợ…
Thứ hai, hoàn thiện các dự án đang triển khai và dự án mới. Ông Thắng cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, PVX đang tập trung vào 2 dự án lớn là dự án Nhiệt điện Thái Bình, dự án Thủy điện Vũng Áng và một số dự án lớn phía Nam.
Thứ ba, nhiệm vụ trọng tâm là PVX sẽ đẩy mạnh tổ chức tái cơ cấu thông qua thoái vốn, sáp nhập, giải thể các công ty con. Căn cứ vào đề án này, PVX sẽ giảm từ 40 công ty (15 công ty con, 7 công ty đầu tư tài chính và 18 công ty liên kết) xuống còn 5 công ty (3 công ty MSIC phía Nam, 1 ở miền Trung và 1 miền Bắc). Sau đó, PVX sẽ không thực hiện tham gia kinh doanh Bất động sản hay dự án nữa mà sẽ tập trung ở nhóm dịch vụ kỹ thuật cao cấp với ngành Xây lắp dầu khí trên bờ.
Năm 2014: Có thể lỗ 400 tỷ hoặc hơn 1,000 tỷ đồng
Đại hội thống nhất đặt kế hoạch năm 2014 của PVX với doanh thu hợp nhất 2014 ở mức 7,500 tỷ đồng tăng 42% so với năm trước. Ông Thắng cho biết, 99% doanh thu hiện nay của PVX là nhờ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) mang lại. Trên cơ sở đó, PVX đặt kế hoạch doanh thu 7,500 tỷ đồng trong năm 2014.
HĐQT PVX đã họp riêng và đưa ra hai kịch bản cho Công ty trong năm 2014, ông Thắng nói thêm. Theo đó, kịch bản xấu nhất là PVX tiếp tục lỗ hơn 1,000 tỷ đồng trong năm 2014, khi đó lỗ lũy kế của PVX sẽ ở mức 4,200 tỷ đồng.
Kịch bản còn lại là nếu nhờ Tập đoàn tái cơ cấu lại các khoản nợ thì nợ sẽ được thay bằng phải trả 2013 và 2014 sẽ được chuyển sang năm sau (2015). Khi đó, PVX sẽ chỉ còn lỗ 400 tỷ đồng.
Như vậy, nếu theo đúng kế hoạch lợi nhuận của công ty, thì dù kịch bản nào ở trên xảy ra, PVX cũng sẽ phải rời sàn sau năm 2014 do lỗ ba năm liên tiếp.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, ông Thắng cho biết PVX lỗ khoảng 300-400 tỷ đồng.
Một cổ đông cho rằng tình trạng hiện nay của PVX là dấu hiệu phá sản chứ không phải thua lỗ bình thường và đề nghị PVN nghiêm túc xử lý những sai phạm tại PVX để lấy lại một phần vốn đã mất.
Đại diện HĐQT PVX cho biết Tổng công ty đang thực hiện rất nghiêm túc và Bộ Công thương cũng đã vào cuộc, kết quả chính thức sẽ được báo cáo trực tiếp đến cổ đông.
Về công tác đầu tư, PVX dự kiến đầu tư mới trạm trộn bê tông thương phẩm 90m3/h tại nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, tỉnh Thái Bình với giá trị đầu tư 13.41 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự có.
Nguyên nhân lỗ 2013 đã tích lũy từ trước
Cuối cùng, Đại hội thông qua kết quả sản xuất kinh doanh năm 2013 với doanh thu hợp nhất của PVX đạt gần 5,300 tỷ đồng. Về lợi nhuận, năm 2013, PVX lỗ gần 1,930 tỷ đồng chủ yếu là do chi phí trích lập dự phòng, bao gồm trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại các công trình/dự án 54.4 tỷ đồng, trích lập dự phòng các khoản phải thu 749.3 tỷ đồng, dự phòng các khoản vay bảo lãnh 297.3 tỷ đồng, dự phòng lỗ từ đầu tư tài chính 689.6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, PVX còn lỗ từ dự án 69 Nguyễn Du hơn 48 tỷ đồng (bao gồm khoản phải nộp NSNN 41.4 tỷ đồng và 7 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp thuế) và chi phí quản lý doanh nghiệp của PVX hơn 117.6 tỷ đồng cũng góp phần làm Tổng công ty lỗ nặng.
Chủ tịch HĐQT PVX chia sẻ thêm, nguyên nhân lỗ đã tích lũy từ những năm trước và đến năm 2013 mới bộc phát nặng nhất. Ông Thắng cũng đứng ra nhận trách nhiệm và xin lỗi cổ đông vì để cho công ty thua lỗ và mất vốn trong những năm gần đây mặc dù có rất nhiều lợi thế trong kinh doanh.
Sanh Tín