Ngày 16/7, CTCP Văn hóa Phương Nam (PNC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHCĐ) lần 2 với nhiều diễn biến bất ngờ và phơi bày sự thật tại công ty niêm yết này.
Đón tiếp cổ đông ngay tại trụ sở PNC ở Nhà sách Phương Nam, Q.10, Ban lãnh đạo PNC đã không ngờ đến sự phản ứng quá gay gắt từ các cổ đông dù rằng công ty đã thua lỗ triền miên nhiều năm. Sự căng thẳng lên đến mức cao nhất khi cuối buổi đại hội, một cổ đông trước khi ra về đã nói “Nếu Chủ tịch thấy không làm được thì tại sao không tự từ chức?”.
Ngược thời gian về cách đây vài tuần, ĐHCĐ của PNC lần đầu đã bị thất bại vì nhiều cổ đông không đến, không đủ số phiếu biểu quyết. Trong khi bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) PNC phát biểu rằng các cổ đông đã không tôn trọng công ty, thì theo đại diện của một số cổ đông vắng mặt lại chia sẻ chính do Chủ tịch HĐQT không tôn trọng các cổ đông, không thực thi các yêu cầu mà cổ đông đã gửi bằng văn bản nên họ không tham dự để HĐQT có thời gian bổ sung nội dung chương trình cho đại hội. Thực hư chưa xác định rõ vào thời điểm đó cho đến kỳ đại hội lần này đã dần được sáng tỏ…
Bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch HĐQT PNC
Bất thường từ vị Chủ tịch HĐQT
Ngay đầu đại hội, không khí đã "nóng" lên bởi cách điều hành bất thường của Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc PNC. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc đã không thông qua chương trình đại hội mà tự ý đi thẳng vào các nội dung. Cổ đông đã nêu ý kiến phản đối cho rằng vi phạm pháp luật, bỏ đi quyền của cổ đông. Theo một số nguồn tin cho biết, việc bỏ qua chương trình đại hội vì có thể bà Lệ lo ngại các cổ đông sẽ đề xuất bổ sung nội dung về việc bãi nhiệm HĐQT vì kết quả kinh doanh yếu kém?
Trong khi đại hội diễn ra, các cổ đông liên tục chất vấn về khoản vay 7 triệu USD từ CJ Investment Pte.Ltd, vay 400.000 USD từ Envoy Media Partner Limited và một khoản tiền bất thường khác 600.000 USD từ CJ Investment . Được biết, sau này Envoy Media Partner chuyển nhượng phần vốn của mình sang Cross Junction Investment Pte.Ltd (CJ) và Megastar đổi tên thành CGV.
Về số tiền 400.000 USD, một cổ đông đứng lên bảo vệ HĐQT PNC chia sẻ: “Đó là số tiền mà Envoy trả cho PNC để "đứng tên giùm" 10% cổ phần mà PNC đang góp vốn tại Megastar”. Cụ thể, theo giấy phép của Megastar, PNC sở hữu 20% vốn nhưng thực tế công ty này chỉ góp có 10% vốn tương đương 400.000 USD, số còn lại PNC không có tiền để góp mà chỉ “đứng tên giùm” cho Envoy để hợp thức hóa Megastar theo luật định.
Ông Nguyễn Hữu Hoạt, Tổng Giám đốc PNC cũng đồng ý với giải thích trên và cho rằng: “Tuy giấy phép của Megastar ghi PNC sở hữu 20% nhưng thực tế chúng ta chỉ có 10% vì chúng ta không có đủ tiền để góp”. Đại diện Công ty kiểm toán DTL cũng nêu: “Chúng tôi đã kiểm toán PNC và xác nhận công ty góp vốn vào Megastar chỉ tương đương 10%”. Bà Phan Thị Lệ khẳng định lại: “PNC chỉ góp vốn vào Megastar tương đương 10%”.
Tuy nhiên, một cổ đông đã lên tiếng phản biện cho rằng khi bản báo cáo gửi đến các cổ đông, chính bà Phan Thị Lệ đã nêu trong báo cáo là PNC đang sở hữu 20% vốn tại PNC. Việc giải đáp của bà Lệ từ văn bản đến lời nói tại đại hội là bất nhất, không rõ ràng. Con số 10% hay 20% vẫn là một thông tin mơ hồ mà Chủ tịch HĐQT PNC không thể trả lời được rõ ràng cho cổ đông vì không ai chấp nhận khái niệm “đứng tên giùm”.
Được biết, khoản vốn góp 10% tại Megastar (nay là CGV) có giá trị mệnh giá là 800.000 USD và giá trị thị trường được các cổ đông ước định là 20 triệu USD (trên 400 tỷ đồng). Đây là con số rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả cổ đông có góp vốn tại PNC, bao gồm cả Nhà nước (vẫn còn sở hữu cổ phần tại PNC).
Nếu theo giải thích của HĐQT PNC, thì công ty này đang làm ăn “mập mờ” với Megastar, đứng tên thay cho Envoy nhằm thành lập Megastar (theo quy định thì nước ngoài chỉ được giữ 80%) nhưng thực chất Envoy vẫn nắm giữ đến 90% cổ phần, còn PNC chỉ 10%. Điều này đã được chính các thành viên HĐQT PNC thừa nhận và thể hiện trong báo cáo tài chính. Câu hỏi lớn đặt ra là tại sao các cơ quan chức năng không biết, và ai sẽ đứng ra kiểm tra, ai chịu trách nhiệm về sự mập mờ này?
ĐHCĐ PNC
Hợp đồng vay bất an, nhận tiền bất minh
Về khoản vay 600.000 USD năm 2014, chính khoản tiền này đã giúp PNC “thoát chết”, tránh được việc bị hủy niêm yết khi đã thua lỗ liên tiếp 2 năm trước đó. Một cổ đông đã quyết liệt cho rằng làm vậy là sai pháp luật, không khai báo đúng hiện trạng kinh doanh của công ty mà dùng một khoản tiền bất thường để đưa thẳng vào lợi nhuận, “phù phép” cho công ty lỗ thành lãi?
Ông Hàn, một cổ đông PNC, đã chất vấn thẳng với đại diện đơn vị kiểm toán: “Tôi yêu cầu kiểm toán viên phải xác định rõ và chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý về báo cáo kinh doanh 2014 của PNC là trung thực, đã phản ánh đầy đủ mọi hoạt động của công ty trong năm”? Các cổ đông từ mất lòng tin vào Chủ tịch HĐQT đã chuyển qua nghi ngờ cả đơn vị kiểm toán khi để lọt con số bất thường này.
Trước phản ứng của cổ đông, HĐQT PNC cho rằng họ làm tất cả vì lợi ích công ty, khoản tiền vay trên là của CJ chuyển cho PNC để “trả công” vì công ty đã tư vấn giúp họ. Tuy nhiên, các cổ đông rất bất bình và cho rằng “dù đói nghèo thì chúng ta cũng không được vi phạm pháp luật, không thể nhận những khoản tiền bất minh”, cổ đông Vũ Cao Trung nhận xét.
Ông Trung cũng rất bức xúc trước khoản vay 7 triệu USD của PNC từ CJ vì khoản vay này đã tước đi toàn bộ quyền lợi của PNC với 10% cổ phần tại Megastar (tài sản cầm cố cho hợp đồng vay). Cụ thể, hợp đồng vay đã quy định là PNC không được quyền trả vốn vay trước hạn, CJ được quyền bán toàn bộ cổ phần của PNC tại Megastar bằng bất cứ giá nào mà PNC không được quyền ý kiến(!?).
Như vậy, nếu CJ bán 10% cổ phần đó cho một đơn vị khác với giá 1 triệu USD thì PNC sẽ chuyển thành nợ CJ 6 triệu USD và phải bán cả công ty mới đủ tiền trả khoản nợ này. Một khoản vay quá bất thường và vi phạm quyền lợi của tất cả cổ đông PNC và người đã ký hợp đồng vay này chính là bà Chủ tịch HĐQT Phan Thị Lệ.
"Chiêu trò" phát hành cổ phiếu riêng lẻ
Cuối đại hội, bà Phan Thị Lệ còn khiến cổ đông thêm một phen ồn ào khi đợi các cổ đông bỏ phiếu xong hết thì mới công bố một thông tin gây “sốc”: “HĐQT đã ra Nghị quyết đồng ý bán 10 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ cho Công ty Xuất nhập khẩu Bình Tây (Bitex) với giá 11.000 đồng/cổ phần vào ngày… 15/7”, tức đúng 1 ngày trước buổi họp ĐHĐCĐ cực kỳ quan trọng.
Nhiều cổ đông có uy tín lớn trên thị trường tài chính như ông Phạm Uyên Nguyên (nguyên Giám đốc Quỹ VOF thuộc Vinacapital, đang là Thành viên HĐQT PNC), Nguyễn Tuấn Quỳnh (Thành viên HĐQT PNJ, SFC và chính PNC), Nguyễn Xuân Hàn (Chủ tịch HĐQT Maseco) đã đứng lên “đối chất” với bà Phan Thị Lệ. Đại hội gần như mất kiểm soát khỏi tay Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tọa của buổi đại hội, lúc này trên hàng ghế chủ tọa còn duy nhất bà Lệ ngồi, các thành viên khác như ông Nguyễn Hữu Hoạt đã tránh khỏi hàng ghế nóng.
Được biết, chủ trương việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ được HĐQT PNC thông qua từ năm 2011 nhưng giá chào bán được dự kiến là 15.000 đồng/cổ phiếu. Do thị trường chứng khoán suy giảm, nhiều năm qua PNC vẫn không phát hành được cổ phiếu và việc công ty bất ngờ công bố đã đồng ý bán đúng 1 ngày trước ĐHCĐ là rất bất bình thường.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh cho biết mình đã có văn bản gửi HĐQT đề nghị mua toàn bộ 10 triệu cổ phiếu trên với giá 13.000 đồng/cổ phiếu nhưng không được bà Lệ chấp thuận, nhưng nay mang bán giá 11.000 đồng là làm mất quyền lợi của cổ đông.
Ông Nguyễn Xuân Hàn nhận xét việc ủy quyền cho HĐQT tìm đối tác mua cổ phần là của ĐHCĐ 2014 và thời hạn ủy quyền chỉ 1 năm. Tại sao năm nay không đưa thông tin này vào nội dung buổi đại hội để báo cáo cho toàn bộ cổ đông mà chỉ bất ngờ thông báo kết quả vào cuối đại hội?
Ghi nhận trực tiếp tại buổi ĐHCĐ này, toàn bộ băng ghi âm và các báo cáo của HĐQT đều không hề nhắc đến thông tin về việc phát hành riêng lẻ, đến khi Chủ tịch HĐQT tự công bố sau khi các cổ đông đã bỏ phiếu biểu quyết. Bức xúc lên cao, các cổ đông yêu cầu ghi lại ý kiến rằng họ không đồng ý tiếp tục ủy quyền cho HĐQT thực hiện bất kỳ quyết định nào liên quan đến công ty nữa.
Trước đó, khi bỏ phiếu biểu quyết, tất cả nội dung từ báo cáo kinh doanh 2014, kế hoạch 2015 và mọi tờ trình khác của PNC đều không được cổ đông thông qua với mỗi hạng mục luôn có trên 61% tỷ lệ không đồng ý. HĐQT gần như bất lực khi nhiều cổ đông lớn đồng loạt phản đối kết quả kinh doanh yếu kém (lỗ lũy kế hơn 60 tỷ đồng trên vốn điều lệ 110 tỷ đồng)!
Một cổ đông nghi ngờ rằng không thể nào một quyết định lớn, bán 100 tỷ đồng vốn cổ phần mà lại không được nêu suốt chương trình chính thức của đại hội. Nếu điều này là sự thật, một lần nữa vị Chủ tịch HĐQT của PNC "vượt mặt" toàn bộ cổ đông của mình. Có thể nói PNC đứng trước nguy cơ lớn và đối diện nhiều nguy cơ khác về pháp lý!