Không ít đối tượng đã sử dụng những tấm bằng giả để hoàn thiện hồ sơ xin việc, chứng minh trình độ học vấn… trót lọt, qua mắt được các cơ quan, tổ chức, nhà tuyển dụng.
Trong thời gian qua có tình trạng một số tổ chức, cá nhân đăng tin, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc cung cấp, trao đổi, mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn, nghiệp vụ và trao đổi, làm thuê luận văn, luận án tốt nghiệp. Đây là các hoạt động vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội.
Không ít đối tượng đã sử dụng những tấm bằng giả này để hoàn thiện hồ sơ xin việc, chứng minh trình độ học vấn… trót lọt, qua mắt được các cơ quan, tổ chức, nhà tuyển dụng.
Theo quy định của từng trường đại học phải mất ít nhất 4 - 5 năm để sở hữu cho mình một tấm bằng đại học, nhưng với “công nghệ” làm giả hiện nay thì việc nhận bằng đại học cùng các loại chứng chỉ, giấy tờ chỉ mất vài ngày, thậm chí là vài giờ.
Chỉ bằng một vài thao tác đơn giản gõ trên google và facebook “Mua bằng đại học” là ngay lập tức có một danh sách không ít các trang web… bán bằng cấp giả, với những lời chào mời hấp dẫn. Với mỗi tấm bằng đại học giả, các đối tượng yêu cầu phải chi trả cho chúng từ 4 - 5 triệu đồng. Với bằng thạc sỹ, số tiền là 10 triệu đồng.
Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan tổ chức, theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), mức phạt cao nhất tới 7 năm tù. Đối với người sử dụng bằng cấp giả, tùy vào mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Đối với trường hợp là cán bộ, công chức sử dụng bằng giả thì sẽ bị xử lý như sau: Nếu cán bộ, công chức bị tòa án phạt tù vì hành vi sử dụng bằng giả mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc; trong trường hợp công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả để được tuyển dụng vào cơ quan, đơn vị thì bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc; đối với trường hợp sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn thì bị xử lý với hình thức là đuổi học nếu chưa học xong hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng nếu đã học xong.
Mặc dù pháp luật đã quy định rõ, tuy nhiên tình trạng mua bán bằng giả vẫn diễn ra công khai, là một trong những vấn nạn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để góp phần ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, quản lý thì người dân cần nâng cao ý thức, không mua bán, sử dụng các loại giấy tờ, bằng cấp giả.
Để xóa bỏ tình trạng nêu trên, vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, chấn chỉnh việc đào tạo, cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành có liên quan rà soát trên các trang mạng xã hội nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định đối với các tập thể, cá nhân có hành vi giới thiệu mua bán, trao đổi các loại giấy tờ nêu trên (kể cả đối với hành vi làm thuê luận văn, luận án tốt nghiệp), báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 31/12/2019.