Đến với Chùa Hương - “Lễ hội vui nhất trời Nam”

Tuệ Minh| 14/02/2014 14:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hằng năm khi mùa xuân đến, hoa xuân nở rộ khắp các triền núi Hương Sơn, hàng triệu Phật tử cùng du khách trong và ngoài nước lại nô nức trảy hội hành hương về nơi tâm linh đất Phật.

Mật độ con người về dự lễ hội chùa Hương cộng với trường độ không gian và thời gian vô cùng rộng lớn khiến cho nơi đây xứng danh là “lễ hội vui nhất trời Nam”.

“Bầu trời cảnh bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
“Đệ nhất động” hỏi rằng đây có phải!”

 Đó là những câu thơ mà nhà thơ Chu Mạnh Trinh (1862-1905) đã phải thốt lên đầy xúc động khi được tận mắt chứng kiến cảnh đẹp kỳ vĩ của Hương Sơn. Trải qua bao năm tháng, Hương Sơn vẫn nằm đó, trường tồn cùng thời gian với những cảnh đẹp tưởng chừng như chỉ có được ở chốn “bồng lai tiên cảnh”.

Trên thực tế, Hương Sơn (Chùa Hương) là một quần thể di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng thuộc ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Quần thể di tích Hương Sơn gồm hệ thống hang động, đền chùa. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với động Hương Tích, Hinh Bồng, chùa Thiên Trù, Thanh Sơn, Tuyết Sơn… xen lẫn với rừng núi, hoa lá cỏ cây mà còn được tôn vinh bởi Hương Sơn nằm trong cái nôi văn hóa đặc sắc, với các phong tục, nếp sống sinh hoạt đặc trưng của làng quê Việt Nam.

Đến với Chùa Hương - “Lễ hội vui nhất trời Nam”

Khai hội chùa Hương

Ngoài ra, Hương Sơn còn là một nơi có bề dầy lịch sử: lịch sử hoạt động của nghĩa quân chống Pháp; lịch sử cách mạng và kháng chiến; một địa điểm khảo cổ học; một vùng quê có truyền thống cần cù, dũng cảm; một vùng rừng núi ở giữa là đồng bằng, với nhiều đặc sản quý...

Điểm đến đầu tiên của hành trình trẩy hội chùa Hương là đền Trình hay còn gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ, một ngôi đền nhỏ nằm dưới chân núi bên bìa phải của dòng suối Yến, cách bến đò khoảng 500m. Tiếp đến là Chùa Thiên Trù. Chùa có kết cấu hài hòa từ tam bảo, tiền đường đến nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu, nhà khách, các nhà kho… Đứng giữa sân chùa có thể cảm nhận được sự tráng lệ, kỳ vĩ của cảnh chùa, núi non.

Từ chùa Thiên Trù rẽ phải là hành trình đến động Hương Tích. Lối lên động quanh co, được phủ trắng bởi hoa đại. Nhìn từ bên ngoài, động như một cái hàm rồng khổng lồ, thênh thang và sâu hun hút. Ngay chính giữa động là hòn thạch nhũ lớn có tên là Đụn Gạo. Tưởng như người xưa đã đem những thứ như lợn mẹ, lợn con, đụn rơm, đụn gạo, quả bòng trái bưởi, cây bạc, cây vàng, khánh đá, cà sa nhũ Phật… vào hang động để thưởng ngoạn, và cất giữ muôn đời cho con cháu. Lại có dòng sữa mẹ ngày đêm tí tách rơi nhỏ giọt, làm cho không khí trong hang lúc nào cũng mát lạnh. Không khí mát lạnh cùng với những nhũ đá “long lanh như gấm dệt” làm cho Hương Sơn xứng tầm với tên gọi “kỳ quan” của tạo hóa.

Chùa Giải Oan cũng là một trong những địa điểm đáng chú ý trong quần thể Hương Sơn. Chùa được dựng ở lưng chừng núi Long Tuyền. Trước chùa có suối chín nguồn gọi là suối Giải Oan. Trong chùa có một cái giếng, nước giếng trong vắt, quanh năm không bao giờ cạn. Tương truyền đây chính là nơi đức Bồ Tát Quan Âm Diệu Thiện đã dùng để tắm, tẩy sạch bụi trần trước khi vào cõi Phật nên người đời gọi giếng này là giếng Giải Oan.

Hương Sơn còn nổi tiếng với các di tích Phật giáo. Tháp Chân Tịnh là một công trình kiến trúc Phật giáo trong khuôn viên chùa. Tháp có cấu trúc 3 tầng mái cao 8,5m, lắp ghép hoàn toàn bằng đá xanh, với 53 tảng đá lớn nhỏ (có tảng đá nặng tới 2,5 tấn) được khai thác, sơ chế từ núi Nhồi, tỉnh Thanh Hóa. Việc xây dựng tháp hoàn toàn theo phương pháp cổ truyền: Các viên đá lớn nhỏ đều có mộng, cá khi lắp ráp vào là chồng khít lên nhau, không dùng vôi vữa…

Để khám phá hết vẻ đẹp của Hương Sơn phải mất vài ba ngày.

Trải qua 11 đời Tổ sư tục diệm truyền đăng-từ Tổ khai sáng đến cố Thượng tọa Thích Viên Thành, Hương Sơn chủ động đời thứ 11- nối tiếp xây dựng và hoằng dương chính Pháp, danh thắng và lễ hội chùa Hương ngày một phát triển trên một bình diện lớn.

Lễ hội chùa Hương là lễ hội mang đậm nét của đạo Phật ở Việt Nam. Người có tín ngưỡng đạo Phật hành hương trong năm về chùa Hương chiếm khoảng 85% du khách. Hằng năm khi mùa xuân đến, hoa xuân nở rộ khắp các triền núi Hương Sơn, hàng triệu Phật tử cùng du khách trong và ngoài nước lại nô nức trảy hội-hành hương về nơi tâm linh đất Phật. Mật độ con người về dự lễ hội chùa Hương cộng với trường độ không gian và thời gian vô cùng rộng lớn khiến cho nơi đây xứng danh là “lễ hội vui nhất trời Nam”.

Lễ hội chùa Hương năm 2013 diễn ra từ ngày mồng 6 Tết Mậu Tý với chủ đề “Lễ hội du lịch Chùa Hương - nét đẹp truyền thống văn hóa Việt”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến với Chùa Hương - “Lễ hội vui nhất trời Nam”