Đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương tại đảo Hòn Dấu, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng: Linh thiêng và kỳ bí

03/03/2014 11:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

UBND - UBMQTQ quận Đồ Sơn, Hải Phòng đã và đang triển khai kế hoạch vận động kinh phí xây dựng, tôn tạo đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương thuộc khu di tích Quốc gia đảo Hòn Dấu.

Đây là chương trình vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương phát tâm công đức đóng góp kinh phí để tiếp tục xây dựng, tôn tạo hoàn thiện khu di tích.

Trước đó, thể theo nguyện vọng của nhân dân, UBND quận Đồ Sơn trình UBND TP. Hải Phòng, Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch và đã được phê duyệt dự án tôn tạo đền thờ Đức Nam Hải Đại Thần Vương với tổng mức đầu tư là 78,018 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 13 tỷ đồng, kinh phí xã hội hoá 65,018 tỷ đồng. Sau một gần 1 năm thi công, đến nay việc xây dựng đã hoàn thành phần kè biển mở rộng khuôn viên và ngôi đền chính thờ Đức Nam Hải Đại Thần Vương  trị giá 20 tỷ đồng để kịp thời phục vụ nhân dân tổ chức Lễ hội đầu năm 2014, diễn ra từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 10/02 âm lịch.

Đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương tại đảo Hòn Dấu, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng: Linh thiêng và kỳ bí

Đền thờ Nam Hải Đại Thần vương

Tương truyền,  Đức Nam Hải Đại Thần Vương là danh tướng tuấn kiệt, dưới chướng Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong trận thuỷ chiến chống quân Nguyên - Mông trên Bạch Đằng Giang lịch sử, Nam Hải Đại Thần Vương đã hy sinh và hiển linh tại đảo Hòn Dấu - Đồ Sơn. Cũng từ đó, anh linh của Ngài đã phù hộ độ trì cho ngư dân khắp vùng Duyên hải Bắc bộ. Người xưa, mỗi lần đi biển qua đều hạ buồm vào đảo thắp hương cầu khấn.Vào thời Hậu Lê, nhà Vua ngự giá kinh lý qua vùng non nước Đồ Sơn, thấy cảnh đẹp kỳ vĩ, liền nghỉ lại trên đảo Hòn Dấu. Đêm tĩnh lặng, mờ sương, nhà vua thấy Lão Ông quắc thước, râu tóc bạc phơ vờn trên sóng biển, báo mộng và linh ứng có cá to quẫy lên thuyền. Nhà vua thấy mộng điềm lành linh ứng, bèn phong tước hiệu, trao quyền được cai quản ngư phủ khắp vùng Duyên hải và truyền chỉ cho nhân dân địa phương dựng đền để phụng thờ Ngài. Từ đó đến nay, các thế hệ người dân Đồ Sơn và khách thập phương đã hương khói phụng thờ, tôn tạo đền thờ của Ngài ngày càng uy linh, tuấn liệt.

Theo lời kể của các bậc cao niên, từ khi xây đền thờ thần, cá heo kéo đến hàng đàn tung tăng bơi lội quanh đảo. Cứ mỗi lần cá heo nối đuôi nhau bơi từ ngoài khơi vào gần bờ là trời yên biển lặng. Nhưng khi thấy cá heo bơi từ bờ ra khơi xa, vừa bơi vừa nhảy vút lên khỏi mặt biển là sắp có biển động. Từ đó, cứ thấy cá heo bơi vào bờ, là ngư dân Đồ Sơn yên tâm ra khơi, lần nào về cũng tôm cá đầy khoang. Cho rằng thần đảo hiển linh qua đàn cá heo để giúp đỡ, bảo vệ mọi người, nên vào dịp lễ hội đầu năm, ngư dân Đồ Sơn đến đền thờ làm lễ xin thần phù hộ thì đều được thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy thuyền.

Là phúc thần bảo vệ ngư dân nhưng thần đảo cũng sẵn sàng trừng trị những người bất kính. Người dân Đồ Sơn đến nay vẫn còn kể cho nhau nghe một câu chuyện rùng mình: Thời Pháp thuộc, có một người đàn ông ở phường Ngọc Hải đi lính cho Pháp, ra đảo Dấu canh gác. Người này cả gan lấy lưỡi lê ở đầu súng chọc vào tượng Nam Hải Đại Thần Vương. Sau đó về nhà, thấy trên người nổi lên những cục u, mổ ra toàn giun sán, rồi chết. Người nhà đếm ông ta chọc vào bức tượng bao nhiêu chỗ, thì trên người có bấy nhiêu cục u.

Với các bậc quân vương, thần đã 3 lần thần hiển linh khiến các bậc quân bái phục và kinh ngạc.  Lần đó, có một vị vua đời nhà Lý đi tuần thú bằng đường biển. Khi thuyền rồng qua khu vực đảo Dấu, thấy phong cảnh đẹp, lại lắm tôm cá, ngài bèn lệnh cho dừng thuyền, lên đảo buông cần câu cá. Lưỡi câu của nhà vua không cong có ngạnh như lưỡi câu thường, mà là lưỡi thẳng không ngạnh giống như lưỡi câu của ông Lã Vọng xưa kia. Vì vua chỉ định câu chơi chứ không bắt cá. Sau khi cắm mồi, nhà vua thả lưỡi câu xuống nước. Lạ kỳ, cá nhiều nhưng chẳng con nào ăn mồi. Lúc lâu, nhà vua thấy có một con cá rất lớn cứ nổi lên rồi lặn xuống chung quanh. Bực mình vì con cá quẩn quanh mồi trêu chọc, nhà vua liền khấn, nếu thần đảo có linh thiêng, cho câu được con cá này, ta sẽ tạ ơn. Dứt lời, không hiểu bằng cách nào mà lưỡi câu thẳng lại mắc được vào miệng con cá. Tùy tùng giúp nhà vua kéo con cá nặng hơn 10kg lên bờ.

Lần thứ hai, vào thời hậu Lê, có vị vua đi kinh lý ở Đồ Sơn, đậu thuyền nghỉ đêm cạnh đảo Dấu. Nằm chiêm bao, nhà vua thấy một ông già tóc bạc phơ đến ra mắt và xưng là thần đảo. Tỉnh dậy, vua phán, nếu thực sự là thần linh thì hãy hiển linh cho ta xem. Vua vừa dứt lời, một con cá to nhảy lên thuyền rồng. Thấy linh nghiệm, nhà vua phong cho ngài là “Lão Đảo Đại Thần Vương”. Lần sau cùng ngài hiển linh trước một vị quân vương, đó là trong một dịp kinh lý ra Bắc, qua khu vực Đồ Sơn, thuyền rồng của vua Tự Đức gặp sóng to, gió lớn. Nghe các quan lại địa phương bẩm tấu về sự linh thiêng của ngôi đền trên đảo Dấu, vua liền lên đền khấn vái. Thật lạ kỳ, sau khi nhà vua khấn xong, bỗng nhiên trời quang mây tạnh, gió yên biển lặng. Vua Tự Đức liền sắc phong cho ngài là Nam Hải Thần Vương.

Hàng năm, vào dịp lễ hội, cứ vào khoảng 23 giờ đêm, khi buổi tế lễ chuẩn bị bắt đầu là sóng biển quanh đảo Dấu lại cồn lên dữ dội. Người dân nơi đây lý giải, đó là khi thần hiển linh, chứng kiến lòng thành của con người.

Hùng Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương tại đảo Hòn Dấu, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng: Linh thiêng và kỳ bí