Khăn xếp, áo the từ lâu đã là bộ trang phục không thể thiếu trong những dịp lễ hội ở Việt Nam. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, làng khăn xếp ở thôn Giáp Nhất – Nam Định lại “làm không xuể” bởi các đơn đặt hàng từ khắp nơi trên cả nước dồn đến.
Thôn Giáp Nhất (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), có khoảng 4.800 khẩu với 1.050 hộ, trong đó có khoảng 140 hộ làm nghề. Thôn được coi là nơi duy nhất ở miền Bắc còn sản xuất loại khăn xếp.
Trải qua nhiều thăng trầm, người dân nơi đây vẫn bám nghề, coi đây là một nghề cao quý, có ý nghĩa rất lớn để giữ gìn, phát huy và truyền lại cho con cháu mai sau.
Trước kia, khăn xếp chỉ có loại khăn đen chứ không có khăn nhiều màu như bây giờ, khăn chỉ được làm 4 quấn, 7 nếp, chất liệu vải sa tanh cũ, cốt làm bằng báo. Còn bây giờ khăn xếp được làm 6 quấn, 9 nếp với chất liệu tốt hơn, vải quấn là loại vải tấm các màu, bằng sa tanh, bóng, bên trong là vải sợi lót, cốt khăn làm bằng mút.
Khăn xếp được chia làm ba loại: khăn dành cho nam, khăn cho nữ và loại khăn dành cho cả nam và nữ đều đội được. Cũng tùy theo nhu cầu sử dụng khác nhau mà khăn được cách tân, trang trí thêm.
Khăn dành cho nam thường là loại khăn quang, đằng sau phía trên búi tó dựng đứng, đằng trước phía trên là lưỡi trai, nếp và vành. Tùy thuộc vào giá đồng mà khăn có các màu khác nhau như đỏ, xanh, vàng.
Phần lưỡi trai của khăn xếp trước đây có 2 nếp, làm bằng hình chữ Nhân, bên trái đè lên bên phải, nhưng bây giờ làm công nghiệp thì chữ Nhân được làm phẳng cho dễ làm. Khăn xếp bình thường chất liệu thường là phi, bóng, sa tanh nhưng hàng đặt có thể được làm bằng gấm.
Nguyên liệu để làm khăn xếp gồm có sơn, nhũ, kim xa, keo, mút, vải. Vải được mua ở các nhà máy ở Hà Nội hoặc nhập từ Trung Quốc, mút mua ở Nam Định. Tại đây khăn xếp được chia ra làm nhiều công đoạn khác nhau như cắt vải, cắt xốp, máy, quấn, vẽ hoa…
Được biết giá khăn xếp tuỳ theo loại, theo chất liệu mà có giá khác nhau, thường thì khăn xếp được đặt hàng bán tại nhiều nơi ở miền bắc, đặc biệt là phố Hàng Quạt là loại hàng bình dân, giá từ 50.000 -100.000 đồng/chiếc.
Những hình ảnh tại làng khăn xếp duy nhất miền Bắc:
Một trong những bộ trang phục truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ hội, tiệc làng của người Việt là áo the khăn xếp
Thôn Giáp Nhất được coi là nơi duy nhất ở miền Bắc còn sản xuất loại khăn xếp
Vào những tháng giáp Tết số lượng đơn đặt hàng tăng cao, công việc làm khăn hối hả hơn
Những công đoạn cuối cùng được gấp rút hoàn thành, những chiếc khăn được đem phơi khô và vận chuyển tới các đại lý khắp cả nước.