Để bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm hưu trí, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu của người lao động.
Từ năm 2016, mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi hưu
Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp của UBTVQH về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành có kết cấu gồm 11 chương và 141 điều. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) kế thừa kết cấu này trên cơ sở bỏ 01 chương về bảo hiểm thất nghiệp; gộp Chương VIII về khiếu nại, tố cáo về BHXH và Chương IX về khen thưởng và xử lý vi phạm thành một chương về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHXH; gộp một số điều, bổ sung một số điều cho phù hợp, thuận tiện trong quá trình tổ chức thực hiện. Theo đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) gồm có 9 chương và 125 điều.
Vấn đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi là quy định về kéo dài tuổi nghỉ hưu. Để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu của người lao động như sau: Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Thẩm tra Dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết: Cơ quan này có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành với Dự thảo Luật quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo phương án này, thì phải đến năm 2031 (sau 15 năm) thì tuổi nghỉ hưu của nữ mới đạt 60 tuổi và đến năm 2022 (sau 6 năm) thì tuổi nghỉ hưu của nam mới đạt 62 tuổi. Loại ý kiến thứ hai, cho rằng việc quy định nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam cần phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe, thể chất, điều kiện, môi trường làm việc của người lao động Việt Nam, nhất là lao động trực tiếp sản xuất, không làm tăng sức ép về việc làm cũng như hạn chế cơ hội tìm việc làm của lao động trẻ. Ngoài ra, vấn đề tuổi nghỉ hưu là thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Lao động.
Thường trực Ủy ban này cho rằng, việc quy định lộ trình tăng thời gian đóng BHXH, nâng tuổi nghỉ hưu như Chính phủ trình là cần thiết. Tuy nhiên, để có thể quyết định vấn đề này, Ban soạn thảo cần có báo cáo đánh giá tác động toàn diện về kinh tế - xã hội, tài chính, có số liệu chính xác về số người hưởng hưu trí tăng dần, sự thay đổi tỷ lệ lao động với số người phụ thuộc, dự báo về thị trường việc làm, việc bảo toàn và tăng trưởng của Quỹ BHXH trong 10-20 năm tới để làm cơ sở cho việc xem xét, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển bày tỏ đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình mà Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, ông cho rằng, cần tính toán thời gian nâng tuổi nghỉ hưu giữa nam giới và nữ giới cho phù hợp hơn. “Tuổi nghỉ hưu của nữ 15 năm nữa mới lên 60, nhưng nam chỉ 5 - 6 năm nữa đã lên đến 62 rồi, đề nghị tính sao cho nam giới phải 8 - 9 năm nữa lên 62 thì phù hợp hơn”, ông Phùng Quốc Hiển nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng đề nghị: Cần phải nghiêm túc nghiên cứu về tuổi nghỉ hưu. Khi bàn về quy định này trong Bộ Luật Lao động cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Nay nếu thấy cần thì có thể sửa ngay trong Bộ Luật Lao động.
Người lao động sẽ phải kéo dài thời gian làm việc?
Dưới góc độ bảo vệ người lao động, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, để bảo toàn Quỹ BHXH, Luật đưa ra giải pháp là tăng tuổi nghỉ hưu, thời gian đóng BHXH. Song, điểm bất cập hiện nay là cơ quan quản lý chưa nắm được con số đối tượng bắt buộc phải đóng BHXH là bao nhiêu ?
Ông cũng phân tích, hiện nay, các nước trên thế giới đều lấy quy định tiền đóng BHXH là tổng thu nhập trong khi Dự thảo Luật lại đề nghị, trong giai đoạn từ khi Luật này có hiệu lực thi hành đến hết năm 2017, thực hiện quy định tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động. Sau đó, từ năm 2018 trở đi, mới thực hiện tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.
Ông bày tỏ: “Giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo cân bằng thu – chi của Quỹ BHXH là phải thu đúng, thu đủ với mức cao hơn. Tại sao không thực hiện ngay quy định của Bộ Luật Lao động (sửa đổi) về thu nhập để tính tiền đóng BHXH ngay từ năm 2015 thay vì kéo dài thời gian đóng? Nữ lao động ở khu vực hành chính có thể kéo dài thời gian làm việc, nhưng lao động trong nhiều ngành nghề khác không thể kéo dài được”.
BHXH sẽ được trao chức năng thanh tra chuyên ngành?
Một nội dung khác được nhiều thành viên UBTVQH góp ý vào Dự án Luật là về chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH của tổ chức BHXH.
Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị bổ sung quyền của tổ chức BHXH trong việc thanh tra chuyên ngành về chính sách BHXH khi Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội ủy quyền. Đề nghị này của Chính phủ nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên UBTVQH.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH còn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt nhiều doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và gây ảnh hưởng đến nguồn thu Quỹ BHXH. Vì vậy, rất cần thiết phải trao cho BHXH công cụ thanh tra, kiểm tra để họ có quyền xử lý khi phát hiện ra vấn đề. Cũng quan tâm tới vấn đề này, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho rằng, BHXH cần phải có cơ chế thanh tra, kiểm tra như các cơ quan chuyên ngành khác như: Ngành thuế, kiểm lâm, chứng khoán...
Liên quan tới vấn đề đảm bảo an toàn, cân đối Quỹ BHXH, theo Tờ trình của Chính phủ, khả năng mất cân đối Quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất bắt đầu diễn ra vào năm 2021 và đến năm 2034 thì phần kết dư quỹ không còn, số chi sẽ lớn hơn rất nhiều so với số thu. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, nếu tổ chức thi hành pháp luật tốt thì số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có thể tăng thêm được khoảng 4-5 triệu người; số nợ BHXH sẽ giảm và thu hồi nợ có hiệu quả. Việc thu BHXH bắt buộc trên cơ sở mức tiền lương đóng BHXH mới theo quy định của Bộ Luật Lao động, số lượng tham gia bảo hiểm tự nguyện tăng... thì thời điểm xảy ra khả năng mất cân bằng Quỹ bảo hiểm hưu trí sẽ kéo dài chứ không phải là vào năm 2034 như dự báo.