Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập.
Cần nâng phụ cấp cho giáo viên mầm non
Theo cơ quan soạn thảo, sau gần hai thập kỷ thực hiện theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch số 01/2006, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đã góp phần cải thiện thu nhập, khuyến khích giáo viên yên tâm gắn bó với nghề. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã cho thấy những bất cập cần sớm được điều chỉnh, đặc biệt là sự chênh lệch thu nhập giữa các bậc học, sự thiếu đồng bộ giữa các địa phương và việc bỏ sót một số lực lượng đóng vai trò thiết yếu trong hệ thống giáo dục.
Đáng chú ý trong các vướng mắc là mức thu nhập thấp của giáo viên mầm non – lực lượng đảm nhiệm công việc chăm sóc trẻ nhỏ trong thời gian dài, với cường độ công việc cao nhưng phụ cấp chỉ đạt 35%. Với hệ số lương khởi điểm 2,10, tổng thu nhập của giáo viên mầm non hiện chỉ khoảng 6,63 triệu đồng/tháng – thấp nhất trong toàn ngành. Điều này đã dẫn tới tình trạng nghỉ việc gia tăng đáng lo ngại: Chỉ trong vòng tám tháng (từ 8/2023 đến 4/2024), đã có 1.600 giáo viên mầm non nghỉ việc, chiếm 22% tổng số giáo viên rời ngành trên cả nước.
Không chỉ giáo viên mầm non, đội ngũ giáo viên trường dự bị đại học cũng gặp khó khi mức phụ cấp ưu đãi hiện chỉ dừng ở 50%, thấp hơn đáng kể so với mức 70% của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú – dù đặc thù công việc gần như tương đồng, đều phải quản lý, chăm sóc học sinh nội trú.
Mở rộng đối tượng hưởng phụ cấp
Bộ GD&ĐT cho biết, lực lượng nhân viên trường học – từ nhân viên thiết bị, văn thư, y tế học đường đến kế toán, bảo vệ – hiện vẫn chưa được thụ hưởng bất kỳ chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề nào. Đây là nhóm lao động chủ yếu hưởng mức lương thấp nhất trong khung viên chức và gần như không có cơ hội thăng hạng do đặc thù công việc ít biến động. Điều này khiến nhiều cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong tuyển dụng và duy trì đội ngũ nhân viên.
Dự thảo Nghị định mới đã thể hiện nỗ lực khắc phục các bất cập này bằng nhiều điểm mới đáng chú ý. Trước hết là mở rộng đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp, không chỉ giới hạn ở giáo viên chính thức mà bao gồm cả người tập sự, thử việc và hợp đồng tại các cơ sở giáo dục công lập. Mức phụ cấp cũng được điều chỉnh theo hướng công bằng hơn: Giáo viên mầm non sẽ được tăng phụ cấp từ 35% lên 45% tại vùng thuận lợi và lên tới 80% tại vùng khó khăn. Giáo viên trường dự bị đại học sẽ được nâng lên mức 70%, tương đương với các trường dân tộc nội trú.
Đặc biệt, lần đầu tiên nhân viên trường học được đưa vào diện hưởng phụ cấp ưu đãi, với các mức từ 15% đến 25% tùy theo tính chất công việc. Đây là sự ghi nhận thiết thực vai trò của họ trong hệ sinh thái giáo dục, đồng thời góp phần thu hút và giữ chân nhân lực hỗ trợ chất lượng cao cho nhà trường.
Việc ban hành Nghị định mới, nếu được thông qua, kỳ vọng sẽ không chỉ tháo gỡ những vướng mắc kéo dài mà còn khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ làm công tác giáo dục – đặc biệt tại những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.