Những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án dân sự cần có những giải pháp nào tháo gỡ, luôn là mối quan tâm hàng đầu của các Tòa án.
Được biết, Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Nam là đơn vị có nhiều sáng kiến, đề xuất quan trọng trong giải quyết án dân sự để đạt hiệu quả cao.
Bên lề Hội nghị triển khai công tác Tòa án 2023, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Quốc Bảo, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Nam về nội dung này.
PV: Thưa ông, trong năm 2022, Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiệm vụ công tác, kết quả giải quyết án nói chung và án dân sự nói riêng ra sao?
Phó Chánh án Phạm Quốc Bảo: Trong năm qua Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Nam đã có những chuyển biến tích cực; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của Tòa án từng bước được hoàn thiện. Năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm của Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án được nâng lên. Công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm. Góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để công tác xét xử, giải quyết các vụ án dân sự được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật, đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được pháp luật bảo vệ, khắc phục những mặt còn tồn tại và hạn chế, TAND hai cấp tỉnh Quảng Nam đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, nỗ lực không ngừng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Ngoài ra, TAND hai cấp tỉnh Quảng Nam còn đẩy mạnh triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về cải cách tư pháp; về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Quá trình giải quyết các vụ án dân sự, nổi lên một số nội dung còn vướng mắc, khó khăn trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Điển hình như các vấn đề về hủy quyết định cá biệt trong vụ án dân sự, đây là vấn đề mà Tòa án các địa phương vẫn thực hiện chưa thống nhất.
Yêu cầu hủy quyết định cá biệt không được xem là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hay là yêu cầu độc lập nên Tòa án không thụ lý yêu cầu này và không xác định “yêu cầu hủy quyết định cá biệt” là một dạng quan hệ tranh chấp trong vụ án dân sự mà thực hiện đúng theo nội dung Điều 34 của Bộ luật TTDS.
Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án, nếu xét thấy quyết định cá biệt trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự có liên quan đến vụ việc dân sự mà Tòa án đang giải quyết thì Tòa án cần đưa chủ thể ban hành quyết định cá biệt đó vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và xem xét hủy quyết định cá biệt trong bản án.
PV: Với việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu, Tòa án sẽ tiến hành như thế nào, thưa ông?
Phó Chánh án Phạm Quốc Bảo: Về thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm trong giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu, TAND tỉnh Quảng Nam nêu ra 4 đề xuất cụ thể như sau: Nếu trong quá trình giải quyết vụ án, các bên đương sự không đưa ra yêu cầu về giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì Tòa án không giải quyết, đồng thời yêu cầu này đương sự chỉ được đưa ra trước khi Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử (cần xử sự vấn đề này như quy định về áp dụng thời hiệu trong giải quyết vụ án dân sự).
Bên cạnh đó, trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, đã xác định đủ người tham gia tố tụng, tiến hành thu thập chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu này trước khi xét xử. Đồng thời, tại phiên tòa sơ thẩm, tất cả các yêu cầu, quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan đến hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu đã được làm rõ và tranh tụng công khai thì tại cấp phúc thẩm, trong trường hợp đủ cơ sở để sửa bản án sơ thẩm theo hướng tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào chứng cứ có trong hồ sơ để giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu, trường hợp phát sinh vấn đề mới có thể thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án.
Trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu nhưng không thu thập chứng cứ hoặc thu thập chứng cứ không đúng, không đủ thì được xem là “việc thu thập chứng cứ chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được” để Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 310 Bộ luật TTDS năm 2015.
Cuối cùng nếu trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không thụ lý yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, xét thấy có đủ điều kiện để tuyên bố giao dịch này vô hiệu thì Tòa án cấp phúc thẩm không giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu mà dành quyền khởi kiện cho đương sự trong vụ án khác.
PV: Vậy năm 2023, Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Nam có kế hoạch triển khai công tác như thế nào để đạt được kết quả mọi mặt, thưa ông?
Phó Chánh án Phạm Quốc Bảo: Năm 2023, theo đánh giá nhiệm vụ chính trị của ngành Tòa án tỉnh Quảng Nam ngày càng nặng nề với số lượng công việc dự kiến tăng, đòi hỏi tiến độ và chất lượng rất cao. Chính vì vậy, ngay sau khi kết thúc năm thi đua 2022, Ban cán sự đảng TAND tỉnh Quảng Nam đã ban hành và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2023 gồm 7 nhiệm vụ. Thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Nam sẽ có nhiều đột phá trong công tác chuyên môn và các phong trào thi đua.
Theo đó, lãnh đạo TAND hai cấp tỉnh Quảng Nam thường xuyên quán triệt, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị thực hiện nghiêm túc, thực hiện tốt các chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.
Triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, đẩy mạnh tiến độ giải quyết, xét xử các loại án, đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp đạt về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tăng cường công tác hoà giải trong các vụ, việc dân sự và đối thoại trong các vụ án hành chính. Kiên quyết không kết án oan người không có tội, không bỏ lọt tội phạm, không áp dụng án treo không đúng quy định của pháp luật, án quá hạn...
Thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự, đảm bảo ra quyết định thi hành án đúng thời hạn; đảm bảo việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù phải đúng pháp luật.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; phối hợp với các cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết, xét xử các loại vụ án.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tư pháp với mục tiêu phục vụ tốt nhất yêu cầu của nhân dân, công khai hóa hoạt động của Tòa án. Tiếp tục xây dựng, nâng cấp, tăng cường hoạt động hiệu quả của hệ thống Trang thông tin điện tử TAND hai cấp tỉnh Quảng Nam; đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án. Chú trọng và tăng cường công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án mà trọng tâm là từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống xét xử trực tuyến các loại án theo Nghị quyết Quốc hội.
Nghiêm túc thực hiện Quyết định số 1253/2008/QĐ-TCCB về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Tòa án nhân dân; Quyết định 120/QĐ-TANDTC về việc quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND; Thường xuyên giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm, quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động công vụ của Thẩm phán, cán bộ, công chức, người lao động; Tiếp tục kiện toàn, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái cán bộ.
TAND tỉnh Quảng Nam duy trì phát động các phong trào thi đua theo chuyên đề, đột xuất gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hướng đến mục tiêu đạt và vượt các chỉ tiêu thi đua trong năm 2022.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!