Đề xuất nghỉ thêm 1 ngày dịp Tết Nguyên đán

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 5-10, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) về tiền lương tối thiểu; tăng thời gian nghỉ thai sản; quy định thời gian làm thêm... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề xuất tăng thêm 1 ngày trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (từ 4 ngày lên 5 ngày) để người lao động có một đợt nghỉ “thông tuần” trong năm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tán thành với đề xuất này và cho rằng việc tăng thêm ngày nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán là cần thiết, tạo điều kiện cho người lao động thêm thời gian nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc, giảm chi phí đi lại giữa kỳ nghỉ.

Theo quy định hiện hành, người lao động được nghỉ Tết từ 30 tháng Chạp đến hết ngày mùng 3 tháng Giêng. Ngày mùng 4 Tết, dù Luật Lao động không quy định nhưng lâu nay các cơ quan, đơn vị vẫn cho cán bộ, công nhân viên được nghỉ.

Kỳ nghỉ Tết có thể tăng từ 4 lên 5 ngày? (Ảnh minh họa)

Về thời gian nghỉ thai sản, Chính phủ đề nghị chọn phương án tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng theo quy định hiện hành lên 5 tháng đối với lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường; từ 5 tháng hiện hành lên 6 tháng đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc theo chế độ 3 ca; nữ quân nhân, nữ trong lực lượng CAND.

Về tuổi nghỉ hưu, dự thảo thể hiện theo hướng, lao động nữ đủ 55 tuổi, lao động nam đủ 60 tuổi có quyền nghỉ hưu. Đồng thời, giao Chính phủ quy định tuổi nghỉ hưu đối với một số loại lao động đặc thù khi người lao động tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và được sự đồng ý của người sử dụng lao động.

Về tiền lương, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, với tỷ lệ lao động phổ thông còn khá lớn, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu vùng, nhưng trong tương lai khi nhóm lao động có tay nghề tăng lên cần phải hướng đến việc chỉ công bố mức lương tối thiểu đối với nhóm ngành, nghề mà người lao động có khả năng rơi vào tình trạng yếu thế, hạn chế việc người sử dụng lao động lợi dụng để chi trả tiền lương không hợp lý.

P.Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất nghỉ thêm 1 ngày dịp Tết Nguyên đán