Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo dự thảo, kinh phí bồi dưỡng giám định tư pháp do cơ quan tiến hành tố tụng chi trả sẽ được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) hằng năm, giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật.
Dự toán NSNN bố trí để chi bồi dưỡng giám định tư pháp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, tuân thủ theo tiêu chuẩn, chế độ hiện hành. Dự thảo nêu rõ, không được sử dụng khoản kinh phí này để chi cho các nhiệm vụ khác của cơ quan, đơn vị.
Trách nhiệm tạm ứng và thanh toán kinh phí
Cơ quan trưng cầu giám định có trách nhiệm tạm ứng tiền bồi dưỡng giám định khi thực hiện trưng cầu giám định và thanh toán tiền bồi dưỡng giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định khi nhận kết quả giám định, theo đúng quy định tại khoản 3, Điều 5 Quyết định số 08/2025/QĐ-TTg.
Trình tự, thủ tục và hồ sơ tạm ứng, thanh toán chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về tạm ứng, thanh toán và chi trả các khoản chi của NSNN qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Đối với thanh toán tạm ứng, việc thực hiện tuân theo Điều 42 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước và Điều 26 Thông tư số 342/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định nêu trên.
Lập, chấp hành và quyết toán kinh phí
Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ một số nội dung hướng dẫn cụ thể như sau:
Lập dự toán: Hằng năm, căn cứ vào tình hình thực tế chi trả kinh phí bồi dưỡng giám định tư pháp của năm trước, ước thực hiện trong năm hiện hành, yêu cầu triển khai công tác giám định, cùng với chế độ bồi dưỡng quy định tại Quyết định số 08/2025/QĐ-TTg, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm lập dự toán kinh phí bồi dưỡng giám định tư pháp và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách, gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Phân bổ dự toán: Trên cơ sở kinh phí thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng giám định tư pháp đã được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm, các cơ quan tiến hành tố tụng khi phân bổ dự toán chi NSNN cho các đơn vị dự toán trực thuộc, phải xác định rõ số kinh phí dành cho nhiệm vụ chi bồi dưỡng giám định tư pháp theo Quyết định số 08/2025/QĐ-TTg.
Quyết toán kinh phí: Việc quyết toán kinh phí chi bồi dưỡng giám định tư pháp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Dự thảo Thông tư cũng khẳng định rõ, việc chi trả chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp năm 2025 sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Quyết định số 08/2025/QĐ-TTg.