Trong khuôn khổ dự án “Tăng tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo” do Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha tài trợ, sáng 29-12, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tổ chức hội thảo với đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể nhằm đề xuất giải pháp tăng tỷ lệ lãnh đạo nữ trong các cơ quan trung ương.
Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ ở nước ta đã tăng đáng kể cả về số lượng và chất lượng, phát huy được vai trò và tỏ rõ khả năng, sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước; vị thế ngày càng được nâng cao, nhất là trong vai trò nhà quản lý, lãnh đạo.
Tuy nhiên, tỷ lệ lãnh đạo nữ trong các cấp, các ngành nói chung còn chưa tương xứng với tiềm năng và sự đóng góp của phụ nữ; đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ trong các cơ quan dân cử cũng chưa đạt được chỉ tiêu đề ra. Theo thống kê, trong nhiệm kỳ 2011-2016, số nữ Bộ trưởng là 2/22 (chiếm 9,09%), nữ Thứ trưởng là 10/133 (chiếm 7,52%). Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội 24,40% (giảm 1,36% so với nhiệm kỳ trước). Tổng hợp chưa đầy đủ từ một số bộ, cơ quan ngang bộ cho thấy, số nữ Vụ trưởng, Vụ phó và tương đương cũng chưa cao.
Các nữ đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về: tình hình lãnh đạo nữ của bộ, ngành, đoàn thể hiện nay; một số chính sách đối với cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ trong tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển... nhằm thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong lãnh đạo, quản lý.
Theo các đại biểu, những yếu tố chủ quan chính tác động tới sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý là: Trình độ chuyên môn, năng lực; tuổi; thời gian làm việc, kinh nghiệm công tác; uy tín; nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ; ý thức phấn đấu, mong muốn, hoài bão. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những yếu tố khách quan cũng là những thách thức lớn đặt ra trong lĩnh vực này, hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cụ thể như: Chủ trương, chính sách, cơ chế thực hiện (tuổi nghỉ hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch); định kiến giới; điều kiện làm việc của cán bộ nữ; hoàn cảnh gia đình (điều kiện kinh tế, sự ủng hộ của người thân...)...
Đề xuất các giải pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý, các đại biểu nhấn mạnh: Để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội, nhất là vai trò trong quản lý lãnh đạo, cần nhìn nhận, đánh giá đúng vị trí và tài năng của phụ nữ cũng như sự đóng góp của họ. Các khâu trong công tác cán bộ nữ, từ tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ đều phải được chú trọng, cải tiến để kết quả đáp ứng với yêu cầu, tương xứng với tiềm năng của lực lượng lao động nữ trong xã hội.
Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các cấp cần làm tốt công tác tham mưu về công tác cán bộ nữ, phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu những phụ nữ có năng lực để bồi dưỡng, đề bạt. Bản thân mỗi cán bộ nữ cần tự khẳng định mình, khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, phấn đấu trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi.
Thanh Hòa