Với 43 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ, 46 quốc gia bỏ phiếu chống và 78 quốc gia bỏ phiếu trắng, Đại hội đồng LHQ đã bác bỏ đề xuất của Moscow nhằm hỗ trợ duy trì Hiệp ước Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF).
Quan hệ Nga - Mỹ lại rạn nứt vì những bất đồng liên quan đến Hiệp ước INF
Mới đây, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tiến hành bỏ phiếu nghị quyết do Nga đề xuất nhằm hỗ trợ duy trì Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). Với 43 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ, 46 quốc gia bỏ phiếu chống và 78 quốc gia bỏ phiếu trắng, đề xuất của Moscow đã bị bác bỏ, Sputnik cho biết.
Liên quan đến việc trên, Phó đại diện thường trực của Nga tại LHQ Dmitry Polyansky đã giải thích rằng, Moscow muốn Đại hội đồng khuyến nghị các bên tham gia thỏa thuận duy trì văn kiện này và tiếp tục thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên đáp lại, đại diện của Mỹ đã cáo buộc phía Nga không trung thực, tuyên bố chính Moscow mới là bên vi phạm Hiệp ước INF.
Sputnik cho biết, sau khi kết quả bỏ phiếu được ông bố, ông Polyansky tuyên bố rằng Nga “thất vọng” về lập trường của Liên minh châu Âu (EU) về INF. Theo ông, EU đã không duy trì được lập trường của mình do bị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và cụ thể là Mỹ “chi phối”.
Bình luận về quyết định của Đại hội đồng với RT, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử và Chính trị trường Đại học Sư phạm Moscow, ông Vladimir Shapovalov, cho rằng để thông qua nghị quyết này chỉ cần có thêm vài phiếu ủng hộ.
Theo ông Shapovalov, mặc dù có một xu hướng khá rõ ràng cho thấy ảnh hưởng của Mỹ suy giảm, “tuy nhiên ảnh hưởng này vẫn còn”. “Bởi vì một số lượng đáng kể các quốc gia đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ Mỹ… Nói khác đi, trong thế giới hiện đại có khá nhiều khách hàng của Mỹ - những quốc gia phụ thuộc về quân sự, chính trị và quan trọng nhất là phụ thuộc về kinh tế vào người Mỹ”, vị chuyên gia nêu rõ…
Đồng thời, ông Shapovalov nhấn mạnh rằng nghị quyết do Nga đề xuất hoàn toàn đáp ứng lợi ích của toàn bộ cộng đồng thế giới, vì việc duy trì Hiệp ước INF “sẽ mang lại lợi ích cho tất cả nhân loại”.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Yuri Shvytkin tin rằng, với quyết định của mình, LHQ đang khuyến khích gia tăng căng thẳng trên thế giới.