Đề thi vào lớp 10 năm nay của Sở GD-ĐT TP. HCM có sự chuyển dịch và thay đổi rõ rệt về mặt cấu trúc và mức độ câu hỏi. Một số bài toán có dạng khá mới làm khó học sinh như bài 3 và bài 6.
Xét tổng thể, đề gồm 8 bài toán lớn (120 phút) gồm các dạng bài quen thuộc: bài 1 là vẽ đồ thi hàm số, bài 2 là ứng dụng Viet, bài 3 là bài toán thực tế yêu cầu cao với học sinh về kĩ năng đọc hiểu, bài 4 là bài về hàm số bậc nhất (tương đương bài số 3 năm 2018), bài 5 là dạng tính tiền, bài 6 về hình không gian, bài 7 về giải bài toán bằng cách lập phương trình, bài 8 về góc nội tiếp đường tròn.
Mỗi bài toán có các ý nhỏ sắp xếp theo thứ tự dễ đến khó. có những bài đến 3 ý hỏi, trong đó các bài toán sử dụng ngữ liệu của các môn: Vật lí, Địa lí... Nội dung các câu hỏi có sự liên môn và liên cấp giữa các cấp học, không còn xuất hiện các câu hỏi quá khó, mang tính hàn lâm toán học như: bất đẳng thức và cực trị, quỹ tích hình học. Thay vào đó là những câu hỏi mang tính thực tiễn, để kiểm tra, đánh giá năng lực của các thí sinh như: năng lực đọc hiểu, năng lực phân tích và lập luận toán học...
Ảnh minh họa.
Cụ thể như sau: Bài 1,2: dạng thức quen thuộc năm 2018, ở mức cơ bản, học sinh có thê hoàn thành tốt.
Bài 3: Là dạng bài cho biểu thức biểu diễn mối quan hệ giữa các đại lượng, có yếu tố thực tiễn. Học sinh cần đọc hiểu các dữ kiện trong đề bài để tìm được hướng làm bài. Dạng toán đề bài cho sẵn công cụ và công thức tính, học sinh chỉ cần hiểu và áp dụng công thức để giải toán mà không cần phải ghi nhớ. Đây là một xu hướng ra đề hiện đại giảm bớt sự ghi nhớ về mặt công thức mà coi trọng kiểm tra tính tư duy và kĩ năng đọc hiểu.
Bài 4: Là câu hỏi có tính liên môn, sử dụng ngữ liệu của môn Vật lí hỏi về vấn đề có tính thực tiễn. Câu hỏi không khó, học sinh chỉ cần sử dụng kiến thức về hàm số bậc nhất là có thể hoàn thành.
Bài 5: Là bài toán về kinh tế, mức độ khó giảm nhẹ so với câu 5 của đề năm 2018. Bài 6: Là bài toán có sử dụng dữ liệu môn Địa lí, có tính ứng dụng thực tiễn. Đây là bài được đánh giá khó hơn chút về hình cầu học sinh sẽ dễ bị lúng túng khi mới đọc đề. Nhưng chỉ cần bình tĩnh đọc kĩ để bài và xử lý từng vấn đề thì có thể dễ dàng làm được.
Bài 7: Là dạng Giải bài toán bằng cách lập phương trình và hệ phương trình, tuy nhiên dữ liệu được cho rất gần gũi với thực tiễn (vấn đề mức ca-lo tiêu thụ của con người) làm cho bài toán trở nên mềm mại và gần gũi. Bài 8: Dạng thức câu hỏi tương tự năm 2018.
Nhìn chung, đề thi có cấu trúc tương tự đề thi năm 2018. Đề không khó về mặt tính toán nhưng đòi hỏi học sinh phải có khả năng đọc hiểu và phân tích. Phần hình học nhẹ nhàng, học sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản là có thể giải quyết được trọn vẹn.
Theo thầy Phạm Ngọc Hưng – Giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định: Đề thi năm 2019 có cấu trúc tương tự như năm 2017 bao gồm 8 bài toán trong đó có đến 5 bài toán liên quan đến kiến thức thực tế, đề bài dài và khá thú vị. Để làm tốt được đề bài này, học sinh cần có kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng tính toán rất tốt. Một số bài toán có dạng khá mới sẽ làm khó học sinh như bài 3 và bài 6. Đánh giá chung: Học sinh đạt trung bình phổ điểm từ 6-7,5. Học sinh có kỹ năng tính toán tốt có thể đạt 8-9 điểm. Điểm 10 sẽ hiếm.
Gợi ý cách giải cho đề thi môn Toán của Sở GD-ĐT TP.HCM do tổ giáo viên môn Toán của Hệ thống HOCMAI giải: