Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019: Khơi gợi giá trị nhân văn và ý nghĩa thẩm mỹ của thí sinh

Ngô Chuyên| 25/06/2019 11:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đề văn với thời lượng 120 phút có khả năng khơi gợi những suy nghĩ, xúc cảm mang giá trị nhân văn và có ý nghĩa thẩm mỹ sâu sắc cho học trò.

Theo chia sẻ của cô Trịnh Thu Tuyết – giáo viên tổ Ngữ văn – Hệ thống giáo dục HOCMAI,  đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi THPT quốc gia năm 2019 đảm bảo đúng cấu trúc mang tính thống nhất như mô hình đề từ năm 2017 với 2 phần là đọc hiểu (3,0 điểm); làm văn (7,0 điểm) chia thành 2 câu hỏi.

Những ngữ liệu cho phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học có dung lượng vừa phải phù hợp với thời lượng 120 phút, có khả năng khơi gợi những suy nghĩ, xúc cảm mang giá trị nhân văn và có ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc cho học trò.

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019: Khơi gợi giá trị nhân văn và ý nghĩa thẩm mỹ của thí sinh

Đề thi môn Ngữ văn.

Đối với phần đọc hiểu, các câu hỏi từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao hầu như không thay đổi từ nội dung, mức độ cho đến phạm vi kiến thức, kĩ năng…Ví dụ: Câu hỏi 1: kiểm tra kiến thức về thể thơ đã lặp lại câu hỏi 1 của đề thi chính thức năm 2018.

Nếu đối chiếu với đề thi tham khảo cho kì thi THPT quốc gia năm 2019, có thể thấy yêu cầu kiểm tra về kiến thức Tiếng Việt vẫn được lưu ý nhiều hơn so với kiểm tra khả năng suy nghĩ và cảm nhận về nội dung của ngữ liệu.

Có cảm giác về sự chênh trong mức độ khó và các tầng nghĩa cần hướng tới của các câu hỏi 2,3,4:  nếu ở câu hỏi 2, sự thông hiểu chỉ dừng lại trong việc giải mã nội dung các dòng thơ tương đối hiển ngôn thì câu hỏi 3, khi yêu cầu học sinh phải chỉ ra hiệu quả của phép điệp trong 4 dòng thơ…có thể ít nhiều sẽ làm khó học trò bởi sự mơ hồ giữa 1 tầng nghĩa không hướng tới ý nghĩa của phần thông hiểu cũng như chủ đề sẽ hướng tới của phần nghị luận xã hội sau đó. Bởi 15 câu thơ được trích trong bài “Trước biển” thực chất tách thành 2 đoạn với 2 tầng nghĩa: 6 câu đầu là những cảm nhận về biển/9 câu thơ sau là thể hiện khát vọng của con người trong sự liên tưởng tới những chân trời xa rộng của biển khơi – cho nên sự thiếu đồng nhất trong việc hướng tới chủ đề âu cũng là điều khó tránh. Chính vì thế các câu hỏi 1,2,3 không hoàn toàn mang chức năng là sự chuẩn bị, khai phá, khơi mở cho nội dung vận dụng cao trong câu 4 và vấn đề nghị luận trong phần Làm văn.

Đối với phần làm văn, câu 1 (2.0 điểm) đề bài đưa ra yêu cầu nghị luận về “sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống”- đây là vấn đề tương đối phù hợp với 9 câu thơ sau của ngữ liệu Đọc hiểu, cũng tương đối phù hợp với phần vận dụng cao trong câu hỏi 4 phần đọc hiểu – sự phù hợp ấy sẽ giúp cho học trò những nền tảng đầu tiên của suy nghĩ, cảm nhận trong quá trình nghị luận.

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019: Khơi gợi giá trị nhân văn và ý nghĩa thẩm mỹ của thí sinh

Ảnh minh họa. Hải Nam.

Tuy nhiên, có một vấn đề cần quan tâm về sự diễn đạt cần chính xác hơn trong câu lệnh. Nếu yêu cầu của câu lệnh là “viết một đoạn văn về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống” thì vấn đề nghị luận sẽ là yêu cầu của một bài văn nghị luận xã hội và nội dung nghị luận sẽ phải triển khai theo một hệ thống ý giúp khám phá về toàn bộ vấn đề “sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống”; ví dụ: có thể triển khai về “sức mạnh ý chí”, ví dụ: khái niệm thế nào là sức mạnh ý chí/biểu hiện của sức mạnh ý chí/vai trò, ý nghĩa của sức mạnh ý chí/giải pháp rèn luyện sức mạnh ý chí/bàn luận, phản biện về sức mạnh ý chí/bài học cho bản thân về sức mạnh ý chí….

Sẽ hoàn toàn chính xác với yêu cầu của một đoạn văn nếu câu lệnh được thay đổi theo cách: “…viết một đoạn văn về sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống”. Với yêu cầu đó, vấn đề nghị luận sẽ không phải là “sức mạnh ý chí của con người” mà là “ý chí của con người”; và giới hạn vấn đề nghị luận trong đoạn văn sẽ là “sức mạnh” của ý chí con người – khía cạnh nghị luận này tương đương với ý nghĩa, vai trò…mà học sinh đã rất quen thuộc trong quá trình ôn luyện viết đoạn văn.

Câu 2 (5,0 điểm) – Câu Nghị luận văn học, ngữ liệu nghị luận là phần mở đầu của đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông” – một đoạn văn đẹp, giàu chất thơ, thể hiện sinh động vẻ đẹp hung vĩ, thơ mộng, đắm say của dòng sông Hương nơi thượng nguồn; cũng thể hiện đồng thời những nét đặc sắc nhất trong phong cách nghệ thuật của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: tài hoa và trí tuệ, sâu sắc và tình tứ, hướng nội  và đắm say…Đây là một ngữ liệu giúp khơi gợi những xúc cảm thẩm mĩ phong phú của học trò.

Yêu cầu nghị luận được thể hiện trong 2 ý của câu lệnh: Ý thứ nhất là cảm nhận về hình tượng sông Hương là một nội dung phù hợp, chính xác với ngữ liệu, cũng là yêu cầu thể hiện vấn đề trọng tâm cơ bản của toàn bộ bài bút kí. Ý thứ hai, “nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường” thực chất là yêu cầu học sinh phải chỉ ra được góc nhìn mang tính chất mới mẻ, độc đáo của nhà văn về dòng sông Hương của xứ Huế - bởi theo tâm thế của văn học nghệ thuật từ văn, thơ, nhạc, họa từ xưa đến nay luôn  hình dung miêu tả về sông Hương chỉ với một “khuôn mặt kinh thành” của một dòng sông êm đềm, phẳng lặng, nhiều khi buồn bã, tự như không trôi chảy…và ngược dòng không gian, tìm hiểu vẻ đẹp của sông Hương nơi thượng nguồn chính là góc nhìn mới mẻ, độc đáo ấy của nhà văn giúp người đọc có thể khám phá những gương mặt khác, những vẻ đẹp khác của dòng sông, cũng giúp lí giải được “vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ” của dòng sông trong thành Huế. Và do đó, nếu diễn đạt trong câu lệnh là “góc nhìn mới về sông Hương” có lẽ sẽ chính xác hơn là cách nhìn mang tính “phát hiện”

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019: Khơi gợi giá trị nhân văn và ý nghĩa thẩm mỹ của thí sinh