Để tạo nên “diện mạo mới”, đừng dùng học sinh làm… chuột bạch!

Nhật Minh| 19/04/2017 07:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi mà trẻ liên tục bị đưa ra làm chuột bạch cho những thử nghiệm, đổi mới giáo dục, thì e rằng hết chương trình giáo dục phổ thông, trẻ vẫn cứ loay hoay; và ngành giáo dục thì vẫn cứ tiếp tục... tìm đường”, một nhà giáo đã ngoài 80 tuổi trăn trở.

1. Đổi mới sách giáo khoa, đổi mới cách thi cử, đổi mới tiêu chí đánh giá học sinh… và mới đây nhất là dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với… nhiều điểm mới trong thiết kế môn học, phương pháp giáo dục. Điều đặc biệt, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hướng tới mục tiêu vô cùng ý nghĩa và rất đáng trân trọng: tạo nên một “diện mạo mới” cho học sinh thông qua việc xây dựng “một người học sinh mới gồm 10 năng lực cốt lõi và 6 phẩm chất”.

Theo đó, chương trình giáo dục được thiết kế một cách tổng thể, liên thông và xuyên suốt từ các cấp học từ Tiểu học đến Trung học phổ thông (THPT), với các môn học được phân loại theo hình thức từ bắt buộc đến bắt buộc - có phân hóa , và môn học tự chọn đến tự chọn - có phân hóa. Khung dự thảo chương trình cũng nêu các cách đánh giá học sinh dựa trên những tiêu chí khác nhau, với mức độ khác nhau về mặt thời gian (thường xuyên, định kỳ) và phạm vi (trên diện rộng).

Để tạo nên “diện mạo mới”, đừng dùng học sinh làm… chuột bạch!

Chân dung người học sinh mới theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Đổi mới, nên không? Nên. Rất nên và rất cần thiết. Như khẳng định và cũng là kỳ vọng của GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình, với thiết kế mới của chương trình và các môn học - được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức: Học lý thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham quan, cắm trại, đọc sách; sinh hoạt tập thể... thì học sinh sẽ được phát triển toàn diện cả phẩm chất và năng lực! Và để tạo nên “diện mạo mới” cho học sinh bắt kịp với tốc độ phát triển như vũ bão trong thời đại công nghệ số trong xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa hiện nay, dự kiến khung các môn học sẽ được đưa vào giảng dạy từ năm học 2018-2019.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, học sinh sẽ được tham gia vào các hoạt động học tập bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống), từ đó rèn luyện được thói quen tự học và tích lũy được kỹ năng để phát triển. Đáng chú ý, trong mục “Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực”, các tác giả đã nêu ra một số năng lực cần có của người thanh viên Việt Nam sau khi tiếp nhận chương trình giáo dục mới như: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo…

Tuy nhiên, trong mục “Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực” thì “mục sống còn, quan trọng nhất thì chưa thấy được đặt ra ở đây dưới dạng năng lực”, Dân Việt dẫn lời nhận định của TS Vũ Thu Hương - Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Theo bà, năng lực tự bảo vệ và chăm sóc bản thân cần phải được đặt lên như một mục tiêu quan trọng hàng đầu để đảm bảo sự an toàn và lành mạnh cho các học sinh. “Mục này nên đặt ra thành một mục riêng vì tính chất quan trọng của nó thay vì ghép với năng lực tự chủ”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

2. Ý kiến mà chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương đưa ra rất đáng suy nghĩ và hiện là vấn đề rất nhiều người quan tâm, trăn trở và lo ngại, nhất là trong bối cảnh thời gian qua có quá nhiều vụ xâm hại trẻ em được đưa ra ánh sáng pháp luật. Xin hãy theo dõi một vài con số dưới đây - mà vốn chỉ được xem là “phần nổi của tảng băng chìm”, chúng ta sẽ hiểu hơn điều mà TS Vũ Thu Hương trăn trở.

Theo báo cáo, trong năm 2016 trên địa bàn Vĩnh Long tội phạm xâm hại tình dục trẻ em xảy ra 30 vụ, tăng 13 vụ so với năm 2015 và các vụ việc này đã được Công an tỉnh Vĩnh Long điều tra, xử lý. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh xảy ra 9 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có giảm nhưng đã xảy ra một số vụ tính chất đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện hành vi rất dã man (hiếp nạn nhân xong rồi giết).

Thậm chí, cũng theo báo cáo về tình hình các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thời gian qua thì, khi làm việc với Công an, nhiều đối tượng cãi lại rằng việc quan hệ là do bạn gái đồng ý, chứ không phải ép (?). Rồi thậm chí có vụ, đối tượng cưỡng hiếp, giết người, nhưng khi làm việc với Công an thì lại có thái độ rất thản nhiên và còn nói: “Các chú làm nhanh để con còn về đi học” v.vv…

Trong buổi tọa đàm được tổ chức hồi tháng 3, với chủ đề “Xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng”, các nhà hoạt động xã hội đã thể hiện rõ quan điểm, tiếng nói của các tổ chức xã hội trước nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam đang diễn biến ngày càng phức tạp. TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội nhận định, vấn đề bạo lực tình dục trẻ em ngày càng trở nên nóng bỏng bởi các sự vụ không được giải quyết một cách nhanh chóng, quyết liệt và và triệt để. Và điều đáng lo ngại là, ngay chính bản thân các em lại không hề được trang bị những kiến thức, những kỹ năng cơ bản giúp bảo vệ cơ thể và sự an toàn của bản thân.

Để tạo nên “diện mạo mới”, đừng dùng học sinh làm… chuột bạch!

Cần trang bị cho trẻ kỹ năng sống còn, trong đó có kỹ năng phòng chống xâm hại cơ thể. Ảnh minh họa

Trẻ bị xâm hại có thể do nhiều nguyên nhân, từ khách quan cho tới chủ quan. Dưới góc độ quản lý nhà nước, trong buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan "gói gọn" vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em ở một số nguyên nhân chính như sau: Đầu tiên là công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa hiệu quả. Trẻ chưa được hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội. Còn cha mẹ ít chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ, và đôi khi vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội…

Lẽ dĩ nhiên, vấn đề gây nhức nhối dư luận suốt thời gian quan liên quan đến nạn xâm hại trẻ em chỉ là một dẫn chứng rất nhỏ cho thấy, trang bị cho trẻ những kỹ năng sống còn nhằm bảo vệ cơ thể, an toàn tính mạng là việc làm rất rất cần thiết. Khi mà nhiều bậc phụ huynh gần như gửi gắm và đặt trọn niềm tin vào nhà trường, thầy cô khi con em mình đã bước chân vào cánh cửa trường học thì việc đặt "năng lực tự bảo vệ và chăm sóc bản thân" là một mục riêng biệt, mục tiêu độc lập trong số 10 mục tiêu phát triển năng lực cho học sinh có lẽ cũng là ý kiến mà các tác giả biên soạn dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nên ghi nhận.

3. Quay lại dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Rõ ràng là, muốn kiến tạo diện mạo mới cho học sinh thì học sinh trước hết phải được dạy kỹ năng làm thế nào để tồn tại, đặc biệt trong bối cảnh thực tế hiện nay tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, mối nguy hiểm đe dọa đến chính sức khỏe thể chất, tinh thần và tính mạng các em. Nói một cách đơn giản là, muốn phát triển, thì trước tiên phải sống, phải tồn tại! Và tất nhiên, điều người viết muốn nhấn mạnh ở đây là, ý kiến của chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương đưa ra ở trên cũng chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều nỗi lo ngại, sự trăn trở khác của nhiều người ở các vị trí, tầng lớp xã hội khác nhau.

Ngay khi thông tin về dự thảo được thông tin rộng rãi trên các phương tiện đại chúng, không chỉ học sinh, thầy cô, các bậc phụ huynh có con em đang trong độ tuổi đến trường (từ Tiểu học đến THPT) - những đối tượng liên quan và chịu tác động trực tiếp từ chương trình, mà rất rất nhiều chuyên gia đầu ngành giáo dục đều tỏ ra lo ngại. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thực tế trường lớp đang quá tải, trình độ giáo viên chưa thể đáp ứng, thì mục tiêu tích hợp giảm môn học, tăng giáo dục trải nghiệm sẽ khó mà “cán đích” như mục tiêu đề ra. Và dĩ nhiên, khi mục tiêu đặt ra không thể đạt được thì điều đáng ngại hơn đó là, những hệ quả tất yếu có thể tác động trực tiếp lên chính đối tượng được áp dụng chương trình (học sinh, và thậm chí cả giáo viên).

Phải thừa nhận không riêng ngành giáo dục, chúng ta có thể bắt gặp câu chuyện về đổi mới tư duy, kiến tạo để bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa ở nhiều ngành, nhiều cấp… “Song câu hỏi đặt ra là, có thể sáng tạo, có thể phát triển không nếu không chăm lo cho cội nguồn, gốc rễ được bền vững", một nhà giáo đã ngoài 80 tuổi tâm huyết ở Bắc Ninh trăn trở.

"Khi mà trẻ liên tục bị đưa ra làm chuột bạch cho những thử nghiệm, đổi mới giáo dục, thì e rằng hết chương trình giáo dục phổ thông, trẻ vẫn cứ loay hoay; và ngành giáo dục thì vẫn cứ tiếp tục... tìm đường. Nên chăng, thay vì mỗi năm, vài ba năm, mỗi nhiệm kỳ, những người đứng đầu ngành giáo dục nghiên cứu và đưa ra những cải tiến, phương pháp mới thì nên chăng chấp nhận "đi chậm" nhưng chắc để giải quyết vấn đề một cách triệt để những vấn đề tồn tại bao năm qua, mà nói như nhiều chuyên gia, là do “lịch sử để lại”?!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để tạo nên “diện mạo mới”, đừng dùng học sinh làm… chuột bạch!