Đề nghị bổ sung nội dung thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về dầu khí

Mai Thoa| 15/06/2022 15:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 15/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Dự thảo Luật gồm 11 Chương, 64 Điều, các nội dung cơ bản được kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

202206151123028983_24.-thu-truong-bo-cong-thuong-dang-hoang-an-0615-1-.jpg

Thảo luận về dự thảo Luật, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển ngành dầu khí với vai trò là một trong những ngành quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.

Qua thảo luận, các ý kiến của đại biểu Quốc hội tập trung vào các nội dung như, phạm vi điều chỉnh, các quy định về áp dụng pháp luật, điều tra cơ bản, hợp đồng dầu khí,... cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao.

Các ý kiến cho rằng, dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và nếu xét về vai trò trong phát triển kinh tế, tài nguyên dầu khí chỉ đứng thứ hai sau đất đai, những đóng góp của ngành dầu khí thời gian qua là rất đáng trân trọng.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Hà Nội cho rằng, một trong những định hướng sửa đổi quan trọng là cần hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là định hướng hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng cần đề cao tính thận trọng bởi trên thực tế dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo và trong những năm qua giá dầu khí luôn tăng cao.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – TP Hồ Chí Minh nhận định, Việt Nam còn 51 hợp đồng đang tiếp tục khai thác, ngành dầu khí Việt Nam đã khai thác trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ m3 khí. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - doanh nghiệp nòng cốt của ngành dầu khí đã có những đóng góp quan trọng cho tổng thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội; giai đoạn 2006-2015 đóng góp khoảng 20- 25% tổng thu ngân sách và GDP. Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 33 trên 98 quốc gia có sản lượng dầu khai thác trong năm 2021.

Theo đại biểu, đây là một thành tựu rất đáng khích lệ nhưng hiện nay hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo, đều đang khai thác với mức độ suy giảm sâu về sản lượng. Các mỏ mới dự kiến đưa vào phần lớn các mỏ có cấu tạo phức tạp, trữ lượng nhỏ, công tác khai thác gặp nhiều khó khăn và thách thức nguồn tài nguyên dầu khí tại chỗ. Trong khi đó các thể chế, chính sách hiện hành chưa có cơ chế khuyến khích phù hợp cho hoạt động đầu tư để phát triển các mỏ nhỏ và cận biên, khuyến khích thu hút thêm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

202206151123028359_16.-tran-hoang-ngan-tp.hcm-0615.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – TP Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, còn một số tồn tại, đó là khó khăn trong xây dựng luật là làm sao để tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia; làm sao khuyến khích được xã hội hóa, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được tư nhân nhưng vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo được an ninh, quốc phòng.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về dầu khí, bởi dầu khí là tài nguyên quốc gia có ý nghĩa quan trọng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nêu vấn đề liên quan đến PVN. Theo đó, cần xác định rõ trách nhiệm tài sản của PVN.

Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần xác định quan hệ giữa Tập đoàn dầu khí và các công ty con. Tập đoàn dầu khí là doanh nghiệp Nhà nước với mỗi khối lượng tài sản rất lớn nếu tất cả mọi hợp đồng đều là một bên ký hợp đồng thì toàn bộ tài sảnđều phải chịu trách nhiệm và có thể bị cưỡng chế trong trường hợp có tranh chấp và phải bồi thường.

Hơn nữa, đây là doanh nghiệp nhà nước, khi phát sinh trách nhiệm tài sản, nếu không phân định rõ phần trách nhiệm tài sản thì khi doanh nghiệp nhà nước không đủ tài sản, Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm.

Đại biểu lưu ý thêm kinh nghiệm quốc tế, các tập đoàn lớn khi ký hợp đồng thường thành lập các công ty con hoặc các công ty dự án để nó hạn chế lại trách nhiệm tài sản. Do Luật này liên quan đến chủ quyền quốc gia, xử lý các vấn đề quyền chủ quyền, quyền tài phán, quan hệ thương mại quốc tế, trọng tài quốc tế, xử lý xung đột…

Nên trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện luật cần tranh thủ ý kiến các luật sư chuyên ngành, các luật sư đầu ngành và dầu khí, luật sư quốc tế để xem xét một cách chặt chẽ kỹ lưỡng nhất là về trách nhiệm dân sự cho Việt Nam và cho cả Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực này.

Giải trình thêm một số vấn đề, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Bộ Công Thương xin sẽ tiếp thu nghiêm túc tối đa các ý kiến của vị đại biểu.

Giải trình về phạm vi điều chỉnh của dự án luật, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, lý do dự án luật không điều chỉnh hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, bởi chỉ các hoạt động dầu khí thượng nguồn mới có những đặc thù cần thiết phải quy định trong luật chuyên ngành. Các hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn bao gồm vận chuyển và xử lý chế biến dầu khí hiện nay đang được điều chỉnh hệ thống pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai trong quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc, không cần quy định trong luật chuyên ngành.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, riêng đối với trường hợp triển khai các dự án dầu khí theo chuỗi là trường hợp rất đặc thù phải xây dựng một chuỗi công trình đường bộ để phát triển mỏ khai thác sản phẩm dầu khí thượng nguồn, vận chuyển, xử lý chất lượng sản phẩm trước khi thương mại thì được thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định của Luật dầu khí.

Đối với quy định tại khoản 4, Điều 34, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về thời gian và tiến độ, nâng cao hiệu quả kinh tế, khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư lớn để thực hiện dự án đầu tư thành phần liên quan mật thiết với nhau. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra rà soát và bảo đảm phạm vi của dự luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị bổ sung nội dung thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về dầu khí