Mới đây, Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa để học sinh và giáo viên thuận tiện trong việc dạy và ôn luyện. Một điểm mới đáng chú ý, trong đề thi các môn ở kỳ thi THPT quốc gia 2018 có 20% chương trình kiến thức của lớp 11.
Một trong những thầy giáo có kinh nghiệm trong việc dạy cũng như ôn tập cho học sinh môn Hóa học, thầy giáo Phạm Thanh Tùng - giáo viên luyện thi môn Hóa học trực tuyến tại Hà Nội đánh giá, đề thi minh họa Bộ GD-ĐT công bố câu hỏi dễ chiếm một nửa.
Ảnh minh họa.
“Đồng thời, đề thi thể hiện sự phân hóa rõ nét khi mức câu dễ chiếm khoảng 50% tổng số câu hỏi. Những câu không phải suy nghĩ quá nhiều, chiếm 1/2 lượng câu hỏi. Mức độ câu khó (phân loại học sinh) tầm 8 câu cuối của đề chiếm (20%). Còn lại là mức độ trung bình khá”, thầy Tùng đánh giá.
Cũng theo thầy Tùng, đề thi phân bố đều vào các phần, chủ yếu là lớp 12. Trong đó, mảng vô cơ và lý thuyết chiếm hơn 50%. Mảng lý thuyết không có nhiều câu mang tính chất phân loại. Tuy nhiên học sinh cần lưu ý những câu hỏi nhận định đúng - sai và chọn số lượng.
Với đề thi minh họa môn Hóa học, thầy Phạm Thanh Tùng cho rằng, học sinh cần học chắc và bám sát kiến thức trong sách giáo khoa Hoá học lớp 12. Sau đó làm các bài tập trong sách giáo và sách bài tập để củng cố và nắm vững kiến thức lí thuyết.
Trong quá trình học kiến thức Hóa học lớp 12, nếu phần kiến thức nào cần sử dụng kiến thức thuộc chương trình hóa học lớp 11 thì cần chủ động xem lại các phần kiến thức này để ghi nhớ. Bên cạnh đó, học sinh cần làm thành thạo tất cả các dạng bài tập từ dễ đến khó có liên quan đến kiến thức thuộc chương trình Hóa học lớp 12 và các chuyên đề trọng tâm của lớp 11.
“Nếu học sinh muốn lấy điểm tối đa, các em cần lưu ý một số dạng câu hỏi khó hoặc câu hỏi gây tranh cãi như: Dạng bài đếm phát biểu đúng sai, giá trị gần đúng nhất, thí nghiệm thực hành và dạng bài liên quan đến thực tế cuộc sống”, thầy Tùng nhấn mạnh.