Hôm nay, 8-6, QH thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Trước đó, Ủy ban Kinh tế của QH đã tổ chức diễn đàn để lấy ý kiến đóng góp của một số Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý về đề án này.
Quy hoạch là tồn tại lớn
Về định hướng chung tái cơ cấu nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ, bổ sung một số nội dung: Việc quy hoạch phát triển các khu kinh tế, vùng kinh tế, hệ thống sản xuất, hệ thống cung ứng dựa trên việc lựa chọn những vùng có lợi thế phát triển để lan tỏa làm động lực thúc đẩy các vùng khác phát triển. Cần làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể nền kinh tế với quy hoạch vùng, quy hoạch ngành động lực phát triển.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, tồn tại lớn là quy hoạch, định hướng còn nặng theo ngành và địa phương phục vụ cho các lợi ích ngắn hạn. Vì thế, quy hoạch tổng thể thường bị điều chỉnh, phá vỡ, hiệu quả đầu tư thấp, cơ cấu chuyển dịch không đúng yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh.
Đối với lĩnh vực đất đai, các ý kiến cho rằng sửa đổi Luật Đất đai phải bảo đảm việc sử dụng đất mang tính ổn định, dài hạn bằng việc xác định rõ chủ thể sở hữu theo Hiến pháp, phân biệt rõ quyền của người sử dụng trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng với quyền quản lý nhà nước của chính quyền các cấp nhằm tạo ra động lực để các chủ thể quản lý và sử dụng khai thác một cách hiệu quả tài nguyên, tài sản đặc biệt, tư liệu sản xuất chủ yếu này.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Ly Kiều Vân phát biểu ý kiến
Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung hình thành vùng sản xuất chuyên canh phải giải quyết những bất cập liên quan đến quản lý và sử dụng đất hiện nay. Dựa trên các động lực thị trường, giao đất theo hướng ổn định, lâu dài cho nông dân trực tiếp sản xuất, khuyến khích nông dân được giao đất liên kết theo phương thức tập thể để tích tụ ruộng đất nhằm phát triển sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học, công nghệ và cơ giới hóa để tăng hiệu quả sử dụng đất.
Tái cơ cấu ngân hàng thương mại gắn với tái cơ cấu DNNN
Về nhóm giải pháp liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu thị trường tài chính, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc phối hợp chặt chẽ và hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách khác như thương mại, đầu tư là giải pháp hết sức quan trọng, là nguyên tắc trong điều hành kinh tế vĩ mô để đạt được ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Một trong các giải pháp được Ủy ban Kinh tế kiến nghị là: Tái cơ cấu ngân hàng thương mại cần gắn với tái cơ cấu DNNN; tăng cường năng lực giám sát thị trường tài chính; nâng cao vai trò, vị trí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tư cách là Ngân hàng Trung ương, nhất là trách nhiệm công bố mục tiêu chính sách, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình. Từng bước xây dựng Ngân hàng Trung ương theo hướng độc lập thực thi chính sách tiền tệ nhằm ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia. Cần xây dựng Chiến lược nợ Chính phủ và nợ quốc gia mang tính dài hạn, bảo đảm hiệu quả trong đầu tư và khả năng trả nợ hàng năm.
Bên cạnh các biện pháp nêu trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Đề án cần tập trung làm rõ việc tái cấu trúc thị trường vốn để phục vụ đầu tư phát triển trong điều kiện đầu tư công giảm.
Về nhóm giải pháp liên quan đến tái cơ cấu đầu tư, trong đó có cách thức sử dụng các nguồn vốn đầu tư, đề nghị Đề án làm rõ với nguồn lực có hạn hiện nay, cần ưu tiên đầu tư công vào lĩnh vực nào. Nhiều ý kiến đề nghị cần tập trung phát triển khoa học, công nghệ ứng dụng ở những ngành, lĩnh vực ưu tiên tạo giá trị gia tăng lớn. Tập trung sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài của các DNNN có bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án trọng điểm trong sản xuất- kinh doanh có tính hiệu quả, tập trung vào cơ sở hạ tầng và những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong hiện tại và dài hạn.
Bên cạnh đó, cần có tổng kết, đánh giá thực tiễn áp dụng hình thức hợp tác công tư (PPP) vừa qua và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, hoàn thiện khung pháp lý trước khi mở rộng hình thức này. Về cách thức quản lý các nguồn vốn, cần thiết lập mô hình quản lý tài chính cho các dự án đầu tư công, phân loại, sắp xếp hợp lý căn cứ vào tính chất nguồn vốn hình thành, khắc phục trùng lắp, chồng chéo giữa các nguồn vốn và khó quản lý, kém hiệu quả hiện nay.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Ủy ban Kinh tế cho rằng, Đề án chưa nêu bật giải pháp tận dụng thời kỳ “cơ cấu vàng” về dân số như một động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế, cần nâng cao đóng góp của lao động trong tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, phù hợp với từng thời kỳ. Việc hiện đại hóa trong nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung phát triển vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng lao động trong khu vực nông nghiệp. Cần có các giải pháp, chính sách phù hợp để giải quyết vấn đề việc làm cho lực lượng lao động dư thừa này.
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung giải pháp cho vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh giải pháp tạo liên kết chặt chẽ giữa quy hoạch các khu kinh tế, vùng kinh tế và quy hoạch các trung tâm dạy nghề, các cơ sở giáo dục và đào tạo phù hợp với đặc trưng về tập quán, văn hóa - xã hội của từng địa phương.
Ngoài các nhóm giải pháp chủ yếu trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần lượng hóa giải pháp, được tính toán bằng kết quả như một “bài toán” thì rõ tính khả thi và thuyết phục hơn.
Theo Ủy ban Kinh tế, cần hình thành một tổ chức chịu trách nhiệm giúp Quốc hội, Chính phủ thực hiện Đề án này. Nếu cần thiết, Quốc hội xem xét, trao cho tổ chức này có một số thẩm quyền nhất định để thực hiện nhiệm vụ. |
Bảo Nam