Đề án “Lấy đô thị nuôi đô thị”: Trầy trật đi vào cuộc sống

Thái Vũ| 20/05/2015 08:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đề án “ Lấy di tích nuôi di tích” đã được áp dụng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước với kết quả tích cực.

Qua kiểm nghiệm thực tế và ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý, đề án đã được chỉnh sửa bổ sung thành Đề án “Lấy đô thị nuôi đô thị” trình Chính phủ.

Đề án tâm huyết

Liên hiệp Khoa học Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Việt Nam - Đông Nam Á, và trực tiếp là Tổng Giám đốc Nghiêm Vĩnh Hải, tác giả của Đề án “Khắc phục bất ổn kinh tế - văn hóa Việt Nam theo phương thức lấy đô thị nuôi đồ thị” đề ra mục tiêu làm lợi cho nhà nước hàng triệu tỷ đồng; hợp lý hóa, đào tạo, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động; chấm dứt tình trạng bội chi ngân sách thường xuyên và gánh nặng nợ công ngày càng tăng của Chính phủ; khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, văn hóa xã hội hiện nay; làm cho đất nước ngày càng giàu đẹp, tiến kịp bạn bè quốc tế; tạo môi trường sống cho con người trở nên tốt đẹp hơn xưa.

Đưa ra mục tiêu lớn lao trên đây, các tác giả của Đề án dựa trên thực tế kiểm nghiệm việc thực hiện đề án “Lấy di tích nuôi di tích” sau mấy chục năm triển khai. Cụ thể là một số địa phương như Lệ Mật, Cự Khối, Viên Châu, Đông Ngạc… ở Hà Nội áp dụng có hiệu quả. Năm 1983 Báo cáo tại Hội nghị khoa học do Liên hiệp Văn học nghệ thuật và Thành ủy Hà Nội tổ chức đã nhất trí tán thành đề xuất này. Năm 1987 UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 183/QĐ-UB ngày 16/10/1097 triển khai phương thức “Lấy di tích nuôi di tích” trên toàn thành phố. Năm 1988, Hội nghị tổng kết ứng dụng đề tài này đã được tổ chức với đánh giá cao. Năm 1993, UBND tỉnh Hà Tây cũng triển khai phương thức này khi tôn tạo chùa Trầm.

Đề án “Lấy đô thị nuôi đô thị”: Trầy trật đi vào cuộc sống

Di tích Cổ Loa, Hà Nội, một điểm du lịch hấp dẫn

Nhiều bài báo phản ánh ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý ủng hộ đề án này. Đơn cử, GS Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện Khảo cổ nói: “Tôi ủng hộ đề án của đồng chí Nghiêm Vĩnh Hải không phải vì tấm lòng của tác giả mà vì đầu óc của tác giả”.

Năm 2001, tại Công văn 973/VPCP-VX ngày 14/3/2001, Thủ tướng Chính phủ cho phép trình để phê duyệt đề án này với nội dung: “Liên hiệp Khoa học Bảo tồn Phát triển văn hóa Việt Nam – Đông Nam Á làm việc với Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để xem xét và trình phê duyệt theo qui định hiện hành. Tiếc rằng, sau đó đề án bị bỏ lửng do bộ chuyên ngành không mặn mà thực hiện.

Chính phủ đôn đốc

Trên cơ sở kết quả đã đạt được của phương thức “Lấy di tích nuôi di tích”, với quan niệm di tích bao gồm cả đô thị, tác giả đã đề xuất Đề án: Cải tiến tổ chức quản lý kinh tế - văn hóa Việt Nam theo phương thức “Lấy đô thị nuôi đô thị” với những luận cứ và kiến nghị khoa học và thiết thực. Sau rất nhiều ý kiến đóng góp và phản biện, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ và các địa phương liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề án này.

Năm 2014, Văn phòng Chính phủ nhắc nhở Bộ Xây dựng thực hiện chỉ đạo trên đây. Ngày 28/3/2014 Bộ Xây dựng có Công văn 558/BXD-PTĐT giao cho Viện Kiến trúc quốc gia nghiên cứu xem xét giới hạn phạm vi của đề án, làm việc và trả lời cụ thể Liên hiệp Khoa học Bảo tồn Phát triển văn hóa Việt Nam – Đông Nam Á về khả năng chỉnh sửa, hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền. Cho đến nay Bộ Xây dựng vẫn chưa  thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phối hợp với các bộ ngành, địa phương có liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng.

Ngày 9/2/2015 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1027/VPCP-KTN gửi Bộ Xây dựng với nội dung: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Văn phòng Chính phủ xin chuyển Công văn số 67/CV-LH ngày 22 tháng 1 năm 2015 của Liên hiệp Khoa học Bảo tồn Phát triển văn hóa Việt Nam – Đông Nam Á về khắc phục bất ổn kinh tế - văn hóa Việt Nam theo phương thức “lấy đô thị nuôi đô thị” đến Bộ Xây dựng để nghiên cứu, giải quyết theo đề nghị của Liên hiệp Khoa học Bảo tồn Phát triển văn hóa Việt Nam – Đông Nam Á tại Công văn nêu trên”.

Cho đến nay, Bộ Xây dựng vẫn chưa có ý kiến. Đề án tâm huyết của ông Nghiêm Vĩnh Hải, Liên hiệp Khoa học Bảo tồn Phát triển văn hóa Việt Nam – Đông Nam Á vẫn chưa biết khi nào có thể được xem xét toàn diện và triển khai trong thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề án “Lấy đô thị nuôi đô thị”: Trầy trật đi vào cuộc sống