ĐBQH Trương Thái Hiền: Cần tạo điều kiện để TAND hoàn thành sứ mệnh của mình

Mai Thoa (thực hiện)| 04/11/2014 21:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các ĐBQH. Bên lề kỳ họp, PV đã có cuộc trò chuyện với ĐB Trương Thái Hiền (tỉnh Kiên Giang) để rõ thêm về những ý kiến khá sắc sảo mà ông đã phát biểu tại nghị trường vừa qua.

PV: Thưa ông, tại buổi thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vừa qua, ông và nhiều ý kiến khác đã đề cập đến việc thực hiện “quyền tư pháp” của Tòa án. Xin ông có thể nói rõ hơn vấn đề này.

ĐB Trương Thái Hiền: Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định, TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Chế định này đã đề cao vị trí, trách nhiệm của Tòa án trong thực hiện quyền tư pháp là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích cá nhân và của Nhà nước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước ta có chế định cụ thể, rõ ràng Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đã hiến định thì quyền tư pháp không chỉ là quyền xét xử mà còn là quyền kiểm tra, đánh giá, kết luận về tính hợp pháp và có căn cứ về hành vi tố tụng do các cơ quan tư pháp thực hiện trong suốt quá trình tố tụng và thi hành án. Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cơ bản đã thể chế được tinh thần này.

ĐBQH Trương Thái Hiền: Cần tạo điều kiện để TAND hoàn thành sứ mệnh của mình

ĐB Trương Thái Hiền

PV: Để tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm, “quyền tư pháp” của Tòa án phải được thực hiện như thế nào, thưa ông?

ĐB Trương Thái Hiền: Để tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm cũng như bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và công dân, Tòa án phải xem xét, đánh giá xuyên suốt quá trình hoạt động từ khi bắt, giam giữ, khởi tố, điều tra, truy tố nếu có và những tình tiết còn mâu thuẫn, hoặc thiếu căn cứ, không đúng với quy định của pháp luật thì Tòa án có quyền yêu cầu làm rõ, điều tra bổ sung. Mặc dù vấn đề này, luật hiện hành không cấm mà đã thực hiện trong thực tế nhưng rất mờ nhạt, không rõ ràng, không mang tính bắt buộc nên đôi lúc diễn ra xung đột giữa các cơ quan tố tụng. Để khắc phục tình trạng này, Luật cần cụ thể hóa, Tòa án có quyền tự mình hoặc trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan tố tụng khác, thực hiện các hoạt động điều tra.

Đối với cơ quan lập pháp, thông qua hoạt động xét xử, nếu Tòa án phát hiện các quy định của pháp luật trái Hiến pháp thì có quyền tuyên bố về tính vi hiến của quy định đó và không áp dụng hoặc kiến nghị với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý theo thẩm quyền. Đây là những nội dung rất quan trọng cần được đưa vào Luật. Chúng tôi đề nghị Quốc hội đặc biệt quan tâm quy định này và tạo mọi điều kiện cho TAND hoàn thành sứ mệnh của mình. Cụ thể là giao quyền cho Tòa án được thẩm quyền điều tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ hoặc trực tiếp chỉ đạo phối hợp điều tra trong việc xác minh, bổ sung chứng cứ trong những trường hợp thật cần thiết và cấp bách, nhằm hạn chế hồ sơ vụ án phải trả đi trả lại nhiều lần, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.

PV: Hiến pháp 2013 đã có quy định về ngạch Thẩm phán, vậy Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) lần này đã thể hiện được đầy đủ về nội dung này chưa, thưa ông?

ĐB Trương Thái Hiền: Hiến pháp 2013 quy định ngạch Thẩm phán do Chủ tịch nước ký bổ nhiệm. Việc quy định này nhằm đề cao vị thế của người Thẩm phán. Đội ngũ cán bộ, công chức chúng tôi rất trân trọng và biết ơn Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã cho chúng tôi vinh dự này.

Tuy nhiên, trong thực tế, quá trình lập hồ sơ gửi Chánh án TANDTC để trình Chủ tịch nước ký bổ nhiệm, phải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn, hiệp y thẩm định rất nhiêu khê, hồ sơ đến Văn phòng Chủ tịch nước để ký sẽ chậm. Hơn nữa, để giảm tải công việc của Chủ tịch nước, vừa đáp ứng được yêu cầu xét xử và tiến trình cải cách hành chính trong ngành tư pháp, chúng tôi đề nghị Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) lần này nên quy định Chủ tịch nước ủy nhiệm cho Chánh án TANDTC căn cứ vào đề nghị của Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia để ký bổ nhiệm cho Thẩm phán trung cấp, sơ cấp hay nói cách khác là Thẩm phán cấp tỉnh và cấp huyện.

Vấn đề nữa, ngạch Thẩm phán TANDTC là ngạch đặc biệt với những tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm rất khắt khe, đòi hỏi phải qua một quá trình thử thách trong công tác lâu dài, có năng lực chuyên môn cao, có kinh nghiệm công tác chuyên sâu, có uy tín cao trong đội ngũ làm công tác tư pháp cũng như trong xã hội, làm công tác xét xử trên hàng chục năm. Do vậy, tôi đề nghị Dự thảo Luật lần này đưa ngạch Thẩm phán TANDTC được bổ nhiệm là không kỳ hạn cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ngoài ngành Tòa án.

Về việc điều động, biệt phái đối với Thẩm phán, chúng tôi đề nghị đối với Thẩm phán có chức danh là Phó Chánh án cấp huyện nên giao quyền cho Chánh án TAND cấp tỉnh được ký điều động biệt phái từ đơn vị hành chính huyện này sang đơn vị hành chính huyện khác trực thuộc đơn vị hành chính tỉnh. Trong phạm vi tỉnh có cơ chế linh hoạt và năng động như vậy mới đáp ứng được thực trạng thiếu cán bộ quản lý trong công tác điều hành giải quyết xét xử án và quản lý cán bộ.

Mặc khác, trong Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) chưa thấy quy định Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán cấp tỉnh và cấp huyện. Tôi cho rằng nên thành lập Hội đồng tuyển chọn ở địa phương và có quy định cụ thể làm tham mưu cho Hội đồng tuyển chọn quốc gia. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ theo tinh thần cải cách tư pháp.

PV: Tại kỳ họp, nhiều ý kiến cũng đề cập đến những vấn đề bất cập trong việc phân công công tác Hội thẩm nhân dân hiện nay. Quan điểm của cá nhân ông về vấn đề này như thế nào?

ĐB Trương Thái Hiền: Tôi cũng thấy đây là vấn đề bất cập hiện nay. Theo quy định hiện hành và thực tế Tòa án đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc phân công Hội thẩm tham dự phiên tòa qua Trưởng đoàn Hội thẩm. Nhưng trong nhiều trường hợp, Trưởng đoàn Hội thẩm lại là cấp dưới của Hội thẩm trong cơ quan nơi họ công tác nên việc chỉ đạo phân công là rất khó khăn. Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng có liên quan đến một số vấn đề khác thì phần lớn Hội thẩm nhân dân cũng né tránh. Do vậy, việc phân công này như Dự thảo quy định là khó khả thi.

Tôi hy vọng rằng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này sẽ mang đến một luồng gió mới, là đòn bẩy để nâng cao vị thế của TAND, giúp TAND làm tròn sứ mệnh mà Đảng, Quốc hội và nhân dân luôn mong đợi.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Trương Thái Hiền: Cần tạo điều kiện để TAND hoàn thành sứ mệnh của mình