Chính trị

ĐBQH: Tránh trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động giám sát 

Bình Nguyên 27/05/2023 13:30

Sáng 27/5/2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Lựa chọn 4 chuyên đề giám sát

Trình bày dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội,.. đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

270520230815-1.jpg
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Cụ thể: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được tăng cường với việc xây dựng và ban hành hơn 23 văn bản quan trọng trong hoạt động giám sát. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTVQH đảm bảo đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới.

Các vấn đề chất vấn được lựa chọn đều là những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời giải quyết những bất cập mà cử tri và nhân dân quan tâm đặc biệt, chú trọng hoạt động giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành và của Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động giám sát chuyên đề có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Hoạt động “giám sát lại” trong năm 2023 được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, được thảo luận kỹ.

Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được UBTVQH quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực, hiệu quả. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và cử tri với Đảng và Nhà nước.

Về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, UBTVQH đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho UBTVQH tổ chức giám sát.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (như: Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

270520230857-z4380368122349_b4f373f5a6e496713f83371b1c06a2d2.jpg

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Phân công rõ ràng để tránh trùng lắp, chồng chéo trong giám sát

Phát biểu thảo luận, các đại biểu thống nhất với dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đồng thời cho rằng, giám sát tối cao là một hoạt động quan trọng của Quốc hội, nhằm đảm bảo việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, nên việc nâng cao hiệu quả giám sát sẽ có đóng góp lớn cho nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có nhiều bước tiến tích cực, nhiều tiến bộ rõ rệt, có nhiều thay đổi trong cách tiếp cận, cách thức tổ chức, tiến hành công việc, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác giám sát vẫn còn một số điểm hạn chế cần khắc phục để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động quan trọng này.

Theo đại biểu để công tác này đạt hiệu quả, sau giám sát, phải ban hành kết luận Nghị quyết của cuộc giám sát, nêu cụ thể các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, có kiến nghị, yêu cầu cụ thể. Ngoài ra, trong quá trình giám sát, nếu phát hiện có vi phạm, đoàn giám sát cần báo cáo kịp thời với UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội để chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

ĐBQH Siu Hương – đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, các hoạt động giám sát đã tác động mọi mặt đến đời sống xã hội, qua hoạt động giám sát đã cho thấy cái nhìn tổng quan trong việc thực hiện văn bản pháp luật, thực hiện các chương trình, chính sách để có giải pháp hoàn thiện.

Vì vậy, đề nghị UBTVQH chỉ đạo công bố thời gian giám sát các nội dung để đảm bảo phù hợp, không tập trung quá nhiều các cuộc giám sát vào thời điểm cuối năm và đầu năm kế tiếp. Đồng thời đề nghị quan tâm chỉ đạo việc tổng hợp sau giám sát chuyên đề, chuyển các kiến nghị đến các cơ quan, tổ chức có liên quan xem xét, giải quyết và phúc đáp.

Đánh giá kết quả hoạt động giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé –(đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) cũng chỉ ra một số những bất cập trong tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề tại địa phương.

Đó là trong tổ chức thực hiện giám sát mỗi chuyên đề có sự phân công 2 nơi giám sát là Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND. Như vậy, cùng một lúc, cùng một chủ đề và cùng một đơn vị chịu sự giám sát có 2 đoàn cơ quan dân cử tại địa phương.

Theo đại biểu thực tế, tại các đơn vị, địa phương được chọn đến giám sát sẽ có hai lần làm việc với Đoàn giám sát Trung ương, hai lần làm việc với đoàn giám sát địa phương nên thành ra sẽ có đến bốn lần giám sát cùng một vấn đề.

270520231004-be.jpg

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) phát biểu thảo luận.

Tại địa phương, Đoàn ĐBQH và HĐND có chung cơ quan giúp việc. Thành phần tham gia đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tại địa phương và của Thường trực HĐND giám sát chuyên đề đó tại địa phương cũng là như nhau. Do vậy việc tổ chức giám sát sẽ không khoa học và lãng phí.

Từ những vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé kiến nghị Quốc hội, UBTVQH khi tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề tại địa phương nên giao cho Đoàn ĐBQH phối hợp với Thường trực HĐND giám sát chung mà không tách để tránh sự lãng phí trong công tác tổ chức. Khi đoàn giám sát Trung ương đến địa phương làm việc trực tiếp không nên giao cho Đoàn ĐBQH tổ chức giám sát nữa để tránh sự trùng lặp trong hoạt động giám sát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Tránh trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động giám sát