Bổ sung “Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC” là một trong các tổ chức giám định tư pháp (GĐTP) công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ, quyền hạn, hay giữ nguyên là vấn đề được ĐBQH tiếp tục tranh luận chiều 21/5, tại kỳ họp thứ 9.
Tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong giám định tư pháp
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, đa số ý kiến ĐBQH tán thành về phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật. Theo đó, chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong giám định tư pháp theo vụ việc, nhằm phục vụ hiệu quả việc xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng. Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi để phân định thẩm quyền giám định pháp y tử thi giữa ngành y tế và ngành công an. Mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp ở một số lĩnh vực có nhu cầu lớn như: giám định ADN, giám định tài liệu, giám định số khung, số máy xe cơ giới… Có ý kiến đề nghị mở rộng hơn quyền yêu cầu trực tiếp giám định tư pháp để tăng khả năng cho đương sự trong việc thu thập chứng cứ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Đáng chú ý, vấn đề bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC (Điều 12) là nội dung vẫn còn có ý kiến khác nhau, tiếp tục được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp này.
Theo dự thảo Luật Giám định tư pháp (GĐTP) sửa đổi, tại khoản 4, khoản 5, Điều 12 bổ sung quy định “Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC” là một trong các tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.
Theo báo cáo giải trình tiếp thu Luật GĐTP của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày cho biết, về vấn đề này, qua tổng hợp của UBTVQH và thảo luận trực tuyến cho thấy, có hai loại ý kiến.
Các ý kiến tán thành với dự thảo Luật về việc thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC cho rằng, việc bổ sung quy định này sẽ góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Từ ngày 1/1/2020, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, nên yêu cầu giám định loại việc trên ngày càng tăng.
Từ trước tới nay mới chỉ có một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên, dẫn đến quá tải. Trung bình thời gian mỗi vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử từ 2-3 tháng, có vụ 5 tháng mới có kết luận, trong khi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra vụ án và tạm giam được quy định ngắn và chặt chẽ, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án. Quy định này cũng phù hợp với cơ cấu tổ chức hệ thống các cơ quan điều tra hiện nay (thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) đều có tổ chức GĐTP kỹ thuật hình sự hỗ trợ.
Về các ý kiến đề nghị không bổ sung quy định thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự lập luận rằng, vì VKSNDTC vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định khó đảm bảo tính khách quan, làm phát sinh thêm biên chế, kinh phí đầu tư trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng và chưa phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Do đó, để giải quyết khó khăn hiện nay, cần tập trung đầu tư về nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật cho các tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện có của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, không nên thành lập mới tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự tại VKSNDTC.
UBTVQH nhận thấy, việc bổ sung “Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC” là tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự đã được Chính phủ cân nhắc kỹ trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp hiện nay. Chính phủ đã có báo cáo bổ sung trình Quốc hội khẳng định về sự cần thiết của vấn đề này. Đồng thời, theo báo cáo đánh giá tác động của cơ quan chủ trì soạn thảo, quy định trên không làm tăng biên chế chung của ngành kiểm sát nhân dân; yêu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo không lớn; không có tác động tiêu cực đối với cá nhân, tổ chức trong xã hội; không gây tác động tiêu cực về giới; không làm phát sinh thủ tục hành chính và không xung đột với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo loại ý kiến thứ nhất là bổ sung “Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC” là một trong các tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể tại khoản 4, khoản 5 Điều 12 dự thảo Luật.
Nhiều ý kiến tranh luận gay gắt
Cho ý kiến tiếp thu theo hướng bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể tại khoản 4, khoản 5 Điều 12 dự thảo Luật. Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tư pháp và các đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật. Ý kiến này cho rằng, việc bổ sung sẽ tăng cường năng lực cho Cơ quan điều tra của VKSNDTC trong điều tra, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
Các đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam), Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng), Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu), Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc)… tán thành với việc thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TPHCM đồng ý với quy định như trong dự thảo luật và yêu cầu sớm có Phòng Kỹ thuật hình sự của VKSNDTC để thực hiện công việc giám định ngay.
Đại biểu phân tích theo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, cơ quan điều tra hình sự của VKSNDTC có thẩm quyền điều tra 38 tội danh, trong đó những năm vừa qua, có khoảng 70% số vụ cần tiến hành giám định về âm thanh, hình ảnh, chữ viết, dữ liệu điện tử, kỹ thuật số...
Trong khi đó, thời gian qua, cơ quan điều tra của VKSNDTC khi cần thiết phải giám định thì trưng cầu giám định tại Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an), Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng), Viện Pháp y quốc gia. Điều này dẫn đến việc bị động và phụ thuộc vào tổ chức giám định tư pháp khác.
Đặc biệt, khi trưng cầu giám định về âm thanh, hình ảnh hay dữ liệu điện tử thường kéo dài 2-3 tháng, có vụ kéo dài 5 tháng mới có kết luận giám định nên đã ảnh hưởng đến việc bảo đảm thời hạn giải quyết tố giác tin báo tội phạm, thời hạn điều tra, nhất là hiện nay hoạt động tội phạm có liên quan nhiều tới dữ liệu điện tử cần giám định.
Vì vậy, theo đại biểu, việc bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC” trong dự thảo luật là cần thiết, bảo đảm cơ sở pháp lý cho Phòng Kỹ thuật hình sự cơ quan điều tra tổ chức và hoạt động đúng quy định của pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra, tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp có thêm lựa chọn về giám định tư pháp khi trưng cầu giám định.
Đại biểu Nguyễn Văn Khánh, đoàn Đồng Nai đồng ý với quy định như trong dự thảo luật. Việc tăng cường nhiệm vụ sẽ giúp việc điều tra, truy tố, xét xử tốt hơn. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn và đề nghị làm rõ khi có một vụ việc giám định hình sự bằng hình ảnh, âm thanh có sự sai khác giữa hai kết quả của Bộ Công an và VKSNDTC thì lấy kết quả bên nào.
Về thắc mắc này, đại biểu Nguyễn Mai Bộ, đoàn Đồng Tháp cho rằng giám định tư pháp là công việc khó, phức tạp, đụng chạm, xác định hành vi vi phạm pháp luật, xác định tội phạm nên thường có tâm lý né tránh, đùn đẩy giữa các cơ quan có chức năng giám định. Báo cáo cho thấy từ năm 2013 đến năm 2018, trong lĩnh vực tài chính trưng cầu giám định có 241 vụ việc, nhưng vẫn còn tình trạng chậm, né tránh, đùn đẩy.
Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ, việc đấu tranh chống oan sai hiện nay đòi hỏi rất cao. Thực tiễn lịch sử giám định tư pháp của chúng ta đã có nhiều vụ việc giám định công an không ra được, đến khi phải cho giám định quân đội vào thực hiện, lúc đó mới sáng tỏ vụ việc. Cho nên không sợ việc giám định bị quá tải mà lo bị bỏ lọt, không thực hiện được.
“Giám định sai sự thật thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, phải bồi thường theo quy định của bồi thường trách nhiệm nhà nước”, ông Bộ nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đoàn Nghệ An cho rằng không đồng tình với đề xuất này và cho rằng chưa cần thiết, vì thực tế từ năm 2002 đến nay, Viện Khoa học hình sự mới tiếp nhận 42 vụ trưng cầu giám định âm thanh, 18 vụ trưng cầu giám định kỹ thuật số điện tử. Số vụ như vậy là không nhiều và Viện Khoa học hình sự cơ bản vẫn đáp ứng được yêu cầu.
Hiện nay, nhiệm vụ giám định tư pháp về kỹ thuật hình sự vẫn do các cơ quan thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đảm nhiệm, nên nếu cần thiết và để bảo đảm khách quan thì có thể đề nghị Bộ Quốc phòng triển khai giám định về âm thanh, giám định kỹ thuật số điện tử. Năng lực của giám định kỹ thuật hình sự bên Bộ Quốc phòng có thể đáp ứng được yêu cầu này, không cần thiết phải có thêm đơn vị giám định.
Cùng đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn Bình Dương cũng cho rằng việc bổ sung quy định này là không cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Trong đó, liên quan đến việc thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC, là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử, Bộ trưởng cho biết, nội dung này thiết kế theo đề xuất của VKSNDTC. Viện đã có báo cáo đánh giá tác động gửi kèm Hồ sơ Dự án Luật.
Theo Bộ trưởng Long, quy định này là cần thiết để đẩy nhanh quá trình giám định, và chỉ thành lập tại VKSNDTC với phạm vi giám định về âm thanh, hình ảnh. VKSNDTC cho biết, việc thành lập này không phình bộ máy, nếu có chỉ nhỉnh hơn một chút; đồng thời khả năng chi phí mua máy móc, thiết bị không cần dùng đến kinh phí ngân sách mà đã có một dự án đầu tư cho vấn đề này.